Sự kiện là dịp tôn vinh và tri ân những công lao, cống hiến, đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Người Cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, một người con yêu dấu của của Ðảng bộ và Thủ đô Hà Nội.
Người Cộng sản kiên trung, mẫu mực
Đồng chí Nguyễn Phong Sắc, tên khai sinh là Nguyễn Ðình Sắc, sinh ngày 1-2-1902, trong một gia đình có truyền thống yêu nước tại làng Bạch Mai, nay là số nhà 152 phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Cuối năm 1926, đồng chí gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Với những hoạt động tích cực, đồng chí đã được cử vào Ban Chấp hành Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội (tháng 6-1927), Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ (tháng 9-1928), Bí thư Ban Chấp hành Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội (tháng 4-1929). Tháng 3-1929, đồng chí tham gia thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam.
Tháng 2-1930, Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được cử vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Ðảng. Tháng 10-1930, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ nhất của Ðảng, đồng chí được bầu là Ủy viên Thường vụ Trung ương Ðảng, phụ trách hệ thống tổ chức Ðảng ở Trung Kỳ. Ngày 3-5-1931, đồng chí Nguyễn Phong Sắc bị mật thám Pháp bắt tại Hà Nội và sáng 25-5-1931, đồng chí đã oanh liệt hy sinh. Cuộc đời cách mạng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc tuy ngắn ngủi, nhưng hết sức cao đẹp, vẻ vang và có nhiều cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng.
Mùa xuân năm 1930, Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được cử là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Sự ra đời của Ðảng Cộng sản Việt Nam là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Ðó là kết quả của quá trình được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đưa đến bước phát triển nhảy vọt về chất trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam; đồng thời, là thành quả của những hoạt động tích cực, sáng tạo của những người cộng sản ưu tú, tiên phong, trong đó có vai trò và đóng góp quan trọng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc.
Sau ngày Ðảng ta ra đời, trên cương vị Ủy viên Trung ương, rồi Ủy viên Thường vụ Trung ương Ðảng, được phân công trực tiếp chỉ đạo hệ thống tổ chức Ðảng và phong trào cách mạng ở Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã có những cống hiến to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Ðồng chí đã chủ trì kiện toàn và thống nhất cơ quan lãnh đạo của Ðảng ở Trung Kỳ, lập ra Phân cục Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam ở Trung Kỳ và chỉ đạo thành lập các Tỉnh ủy Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Nam trong tháng 3 và tháng 4-1930, sau đó là các Tỉnh ủy Ðà Nẵng và Quảng Ngãi, tạo đà cho hệ thống tổ chức Ðảng và các tổ chức quần chúng phát triển rộng khắp.
Ðồng chí Nguyễn Phong Sắc đặc biệt chú trọng gắn công tác xây dựng Ðảng với phong trào đấu tranh của quần chúng. Ðồng chí đã trực tiếp tổ chức và tham gia giảng dạy nhiều lớp bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ, đảng viên; chỉ đạo tăng cường công tác báo chí và tuyên truyền cách mạng. Ðây là cơ sở cho sự bùng nổ của cao trào cách mạng trong những năm 1930-1931.
Ngày 12-3-1931, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 2 họp tại Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh), dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Trần Phú. Tham dự hội nghị có 2 đồng chí Ủy viên Thường vụ Trung ương là Nguyễn Phong Sắc và Nguyễn Trọng Nhã cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương khác. Ngay sau hội nghị, đồng chí Nguyễn Phong Sắc quay ra Trung Kỳ để phổ biến Nghị quyết hội nghị, rồi tiếp tục ra Bắc để phổ biến Nghị quyết cho Xứ ủy Bắc Kỳ (khi đó đóng tại Hải Phòng). Rời Hải Phòng về Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phong Sắc bị thực dân Pháp bắt tại khách sạn Nam Lai, gần Ga Hàng Cỏ, Hà Nội.
Tại nhà tù Hỏa Lò, bọn thực dân đã dùng đủ mọi cực hình tra tấn đồng chí Nguyễn Phong Sắc nhưng chúng không khai thác được điều gì. Sau thời gian giam cầm, tra tấn không kết quả, chúng đã đưa đồng chí vào giam ở Sở mật thám Vinh (Nghệ An), tiếp tục hỏi cung và tra tấn đồng chí đến chết đi sống lại nhiều lần, nhưng đồng chí vẫn giữ vững phẩm chất, khí tiết của người cộng sản trước quân thù. Những tên mật thám Pháp khét tiếng gian ác không thể hiểu nổi Nguyễn Phong Sắc, một thanh niên mảnh khảnh, dáng thông minh nho nhã, đã từng là viên chức cao cấp của Sở Tài chính Đông Dương lại có thể chịu đựng được những trận đòn tra khảo khủng khiếp nhất mà vẫn bảo toàn chí khí người cộng sản. Ngày 25-5-1931, thực dân Pháp bí mật đưa đồng chí Nguyễn Phong Sắc đến đồn Song Lộc thuộc Cửa Hội (Nghệ An) và bắn đồng chí tại đó.
Trở thành người đảng viên cộng sản, đồng chí đã phấn đấu, hy sinh trọn đời cho mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của Ðảng, tận tụy cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc. Ðồng chí là tấm gương tiêu biểu về phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cộng sản luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, yêu thương đồng bào, đồng chí và được đồng chí, đồng bào tin yêu, cảm phục, hết lòng che chở, bảo vệ. Dù trong hoàn cảnh nào, đồng chí cũng luôn đặt lợi ích của Ðảng, của dân tộc lên trên hết và trước hết, kiên quyết giữ vững tinh thần cách mạng son sắt, kiên định. Ðồng chí Nguyễn Phong Sắc anh dũng hy sinh, nhưng tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực của đồng chí vẫn sống mãi với sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc.
Để ghi nhớ và khẳng định công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, cuối năm 2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ đạo Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tài chính quản trị Trung ương, Tỉnh ủy Nghệ An xây dựng khu mộ liệt sĩ Nguyễn Phong Sắc tại xóm Bình Minh, xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc. Ngày 25-5-2004, khu mộ được khánh thành và giao Huyện ủy Nghi Lộc, Đảng ủy xã Phúc Thọ trực tiếp quản lý. Tại khu mộ của đồng chí, Ban Tổ chức Trung ương đã cho dựng tấm bia đá có gắn ảnh liệt sĩ Nguyễn Phong Sắc.
Học tập và làm theo tấm gương đồng chí Nguyễn Phong Sắc
Trong ký ức gia đình liệt sĩ Nguyễn Phong Sắc, đồng chí là một học sinh có thành tích học tập xuất sắc, được chính quyền thực dân cho đi du học ở Pháp để đào tạo thành quan chức trong bộ máy cai trị thuộc địa. Thế nhưng, với tinh thần yêu nước, ý chí chống áp bức, bất công nên Nguyễn Phong Sắc đã dứt khoát từ chối. Là một trí thức trẻ khi mới 22-23 tuổi đã có nghề nghiệp ổn định, lương cao, sớm có gia đình, vợ con, cuộc sống đầy đủ, nhưng Nguyễn Phong Sắc vẫn quyết từ bỏ vinh hoa phú quý để đi làm cách mạng giải phóng dân tộc. Truyền thống gia đình cùng với lòng yêu nước, tinh thần dân tộc trước những oan trái, bất công trong xã hội thuộc địa đã giúp Nguyễn Phong Sắc sớm có tư tưởng và hành động theo tinh thần cách mạng vô sản. Vì thế, tấm gương phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của đồng chí Nguyễn Phong Sắc thật là cao cả.
Phát biểu tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam” nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc để lại cho Đảng bộ và nhân dân Thủ đô là rất to lớn và vẻ vang, đặc biệt là những kinh nghiệm trong tư duy, trong hành động quyết liệt, khoa học với mục tiêu cao nhất là độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân.
Là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, người chiến sĩ cộng sản kiên trung của Ðảng và cách mạng Việt Nam, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã làm rạng rỡ thêm truyền thống cách mạng hào hùng của Hà Nội, là niềm vinh dự, tự hào của Ðảng bộ và nhân dân Thủ đô. Học tập, noi gương đồng chí, Ðảng bộ và nhân dân Hà Nội quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng và Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ XVII, xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp, xứng đáng với danh hiệu "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người", "Thành phố vì hòa bình", "Thành phố sáng tạo".
Là quê hương của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Hai Bà Trưng luôn phát huy truyền thống anh hùng, cách mạng, đoàn kết, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trên các lĩnh vực. Trong đó, kinh tế tiếp tục phát triển, quản lý và phát triển đô thị có nhiều tiến bộ, từng bước hình thành đô thị văn minh, hiện đại; văn hóa - xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh có những bước phát triển mới. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của thành phố, quận Hai Bà Trưng đã cho xây dựng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Phong Sắc trên đường Đại La, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng.
Trong năm 2022, khi đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Hai Bà Trưng tiếp tục phát huy truyền thống văn hiến và cách mạng, học tập và làm theo tấm gương đồng chí Nguyễn Phong Sắc. Đồng thời, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong hành động nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý; xây dựng hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển quận Hai Bà Trưng trong tình hình mới.
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc là dịp để chúng ta thể hiện lòng thành kính, tri ân sâu sắc đối với công lao, đóng góp to lớn của đồng chí và các lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của cách mạng Việt Nam. Học tập và noi gương đồng chí Nguyễn Phong Sắc và các lãnh đạo tiền bối của Đảng, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguyện chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Theo Hanoimoi.com.vn