Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc trả lời phỏng vấn TTXVN về kết quả chuyến thăm Ai Cập của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang. (Ảnh: Nguyễn Trường/TTXVN)
Nhận lời mời của Chính phủ Israel và Ai Cập, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và đoàn đại biểu Việt Nam đã thăm chính thức Israel và Ai Cập từ ngày 23-27/7.
Trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến thăm cũng như triển vọng hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và hai quốc gia này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đánh giá đây là một chuyến đi mang nhiều ý nghĩa quan trọng, đã thành công tốt đẹp, đạt kết quả thực chất và toàn diện.
Về chính trị, chuyến thăm là hoạt động thiết thực kỷ niệm 30 năm ngày Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel và 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Ai Cập; góp phần củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với Israel; quan hệ truyền thống và tin cậy với Ai Cập, các đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực.
Cả hai nước Israel và Ai Cập đều rất trân trọng Việt Nam, đánh giá Việt Nam là “một dân tộc anh hùng” với “lịch sử đáng ngưỡng mộ.”
Các nước dành cho Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và đoàn đại biểu Việt Nam sự tiếp đón trọng thị, thân tình. Lãnh đạo cấp cao của Israel và Ai Cập có mặt trong nước đều đã tiếp và hội đàm với Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.
Chuyến thăm là cột mốc quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với hai nước Israel và Ai Cập.
Về kinh tế-thương mại, chuyến thăm là bước triển khai cụ thể chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về mở rộng thị trường hàng hoá với các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam tại Trung Đông-châu Phi.
Việc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do với Israel (VIFTA) là dấu mốc quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với Israel và các nước khác tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi.
Bên cạnh đó, cả Israel và Ai Cập cũng đã nhất trí với một loạt biện pháp tăng cường xuất nhập khẩu, phấn đấu sớm nâng kim ngạch thương mại lên mức 3 tỷ USD với Israel và lên trên 1 tỷ USD với Ai Cập; tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nhau, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực Halal; sớm thành lập hội đồng doanh nghiệp, tổ chức hiệu quả kỳ họp Ủy ban Liên chính phủ lần thứ 3 với Israel và lần thứ 6 với Ai Cập và tạo đột phá cho hợp tác giữa hai nước; tăng cường hợp tác lao động, du lịch, tài chính, tiền tệ, hợp tác giữa các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho nhập cảnh của công dân mỗi nước…
Bên cạnh ký kết VIFTA với Israel, trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, Việt Nam đã ký với Ai Cập hai thỏa thuận: Hợp tác giữa thành phố Hà Nội và thành phố Cairo; giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Trung ương Ai Cập.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhấn mạnh trên bình diện đa phương, việc Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lần đầu tiên tiếp xúc cấp cao với lãnh đạo Liên đoàn Arab (AL - đặt trụ sở tại Cairo) có ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả với AL, cũng như với 22 nước thành viên của liên đoàn, với 500 triệu dân và Tổng sản phẩm nội địa (GDP) hơn 7.000 tỷ USD, trong đó có nhiều bạn bè truyền thống và đối tác quan trọng của Việt Nam.
Nhân dịp này, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ban Thư ký AL đã ký thỏa thuận để thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác hai bên cùng quan tâm.
Đánh giá về triển vọng và cơ hội hợp tác trong thời gian tới, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để nâng cao hiệu quả hợp tác với Israel và Ai Cập.
Với Israel, quan hệ hai nước phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực, nền kinh tế hai bên có tính bổ trợ tốt cho nhau, thế mạnh khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo của Israel rất phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam. Hợp tác hai nước còn có sự hỗ trợ hiệu quả từ VIFTA vừa ký kết.
Với Ai Cập, Việt Nam có vốn quý là nền tảng vững chắc của 60 năm quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, sự tương đồng về lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, sự tin cậy, ủng hộ và quyết tâm chính trị của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định chuyến thăm đã mở ra giai đoạn mới, đưa hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư, khoa học-công nghệ, lao động, du lịch… với Israel và Ai Cập đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, ngang tầm với quan hệ chính trị tốt đẹp và tiềm năng của mỗi nước.
Việt Nam và Ai Cập cũng nhất trí nghiên cứu khả năng đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA). Nếu được triển khai, hiệp định quan trọng này được kỳ vọng sẽ đem đến đột phá cho hợp tác thương mại giữa hai nước trong thời gian tới.
Trên bình diện đa phương, chuyến thăm mở ra khả năng Việt Nam và các đối tác tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), AL...., qua đó khai thác tiềm năng hợp tác giữa các tổ chức trên cũng như với các quốc gia thành viên, góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển./.
(TTXVN/Vietnam+)