Cảng Gemalink thuộc cụm cảng biển số 5 có tổng diện tích 72ha, là cảng nước sâu duy nhất khu vực Cái Mép-Thị Vải có bến chuyên dụng cho tàu feeder kết nối khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Huỳnh Ngọc Sơn/TTXVN)
Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa diễn ra bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không chỉ là nhiệm vụ riêng của vùng và các địa phương trong vùng. Đồng thời, phải nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước - Cả nước vì vùng và vùng vì cả nước.
Phát huy lợi thế so sánh từng địa phương
Vùng Đông Nam Bộ bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh trực thuộc Trung ương: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây là vùng có địa hình rộng, thoáng, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp và đô thị, xây dựng hệ thống giao thông vận tải...
Để phát huy vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng, ngày 29/8/2005, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 53-NQ/TW và ngày 02/8/2012, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Kết luận số 27-KL/TW về Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và thời kỳ 2011-2020.
Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị khóa IX và khóa XI, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong vùng đã liên tục phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn vùng Đông Nam Bộ tăng gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra. Vùng Đông Nam Bộ đã đóng góp 32% GDP của cả nước, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước. Đô thị hóa của vùng Đông Nam Bộ đạt 67%; diện mạo đô thị ngày càng đổi mới, hiện đại. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 79,5%, đứng thứ hai trong các vùng của cả nước.
Là hạt nhân của vùng kinh tế Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tập trung các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế; nơi có nguồn nhân lực dồi dào, có kỹ năng, là trung tâm đầu mối dịch vụ, thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế, do đó là địa bàn có môi trường đầu tư hấp dẫn. Trong vùng đã hình thành mạng lưới đô thị vệ tinh, trong một không gian mở thông thoáng, liên kết với nhau thông qua các tuyến trục và vành đai đang được xây dựng.
Toàn cảnh hội nghị triển khai Nghị quyết về vùng Đông Nam Bộ. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Tỉnh Đồng Nai được xem là một cửa ngõ đi vào vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ, vùng kinh tế phát triển và năng động nhất cả nước. Về liên kết vùng, Đồng Nai đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trong quy hoạch phát triển vùng; phối hợp với các địa phương bạn tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại...
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, để liên kết vùng có hiệu quả, phải có được một “chỉ huy” vùng thực sự có quyền lực, tạo sự thống nhất. Đồng thời, vùng phải có được quy hoạch tốt để phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương.
Nằm ở vị trí tiếp giáp với các địa phương có nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, Tây Ninh được xem là một tỉnh giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh đạt 7,3%. Cơ cấu nền kinh tế năm 2020, khu vực dịch vụ chiếm 30,1%, đạt mục tiêu đề ra; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 43,3%, đóng vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.
Xuất phát điểm từ một tỉnh thuần nông, Bình Dương mạnh mẽ vươn lên trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp cao nhất và năng động nhất Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh đã thành lập 29 khu công nghiệp, với tổng diện tích quy hoạch trên 12.700ha. 27 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 10.624,66ha, các khu công nghiệp đã cho thuê đất trên 6.836ha, tỷ lệ lấp đầy 90%. Hai khu công nghiệp đang xây dựng hạ tầng là VSIP 3 và Cây Trường với tổng diện tích đất 1.700ha.
Là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để đầu tư, Bình Phước có ưu thế lớn là diện tích đất đai lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ. Đây là lợi thế quan trọng về không gian phát triển; hạ tầng giao thông khá thuận lợi. Những năm gần đây, tỉnh Bình Phước luôn tích cực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại và đồng bộ, xây dựng hệ thống giao thông kết nối nội vùng và liên vùng tương đối hoàn thiện.
Trên quan điểm phát triển đồng bộ, nhanh, tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhất quán tiếp cận theo hướng tối ưu hóa nguồn lực được phân bổ và các cơ hội phát triển, liên kết với các địa phương nội vùng và liên vùng, tập trung nguồn lực để phát huy các thế mạnh tốt nhất của tỉnh để góp phần cùng với các thành viên trong vùng đồng tâm, hiệp lực, tạo ra lợi thế so sánh, phát triển Việt Nam so với các quốc gia khác trên thế giới.
Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cho biết Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này không chỉ định vị lại vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của vùng Đông Nam Bộ mà còn thể hiện sự mạch lạc trong đổi mới tư duy, quan điểm, tầm nhìn cả nội hàm và mục tiêu chiến lược nhằm giải phóng và tái phân bổ lại nguồn lực quốc gia thông qua các cơ chế, chính sách để vùng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ phát triển kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước. Đổi mới cơ chế đột phá, thể chế đặc biệt và có phân công cho từng địa phương gắn với liên kết giữa các địa phương trong vùng tạo ra hành lang kinh tế, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Huy động sức mạnh tổng lực
Đại hội XIII của Đảng đã định hướng phát triển vùng: "khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới..."
Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Kết luận số 27-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đã rất rõ. Các bộ, ngành, địa phương phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện; đồng thời kịp thời phát hiện những vướng mắc, xác định chủ thể để giải quyết; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội; mạnh dạn đề xuất cơ chế chính sách căn cứ thực tiễn; phát huy tính chủ động của các địa phương, song huy động sức mạnh tổng hợp của cả vùng.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng liên kết vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thời gian qua chưa mang lại hiệu quả cao. Nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng này là do hệ thống pháp luật chưa có quy định cụ thể về chính quyền cấp vùng. Điều này dẫn đến không có bộ máy điều hành vùng, không có nguồn ngân sách vùng để phục vụ phát triển. Vậy nên, từ thực tiễn tổng kết, vấn đề liên kết phát triển vùng phải được nghiên cứu bài bản và rõ hơn.
Do đó, Nghị quyết số 24-NQ/TW đề ra khá đầy đủ, đồng bộ và mới mẻ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, bao gồm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát triển nhanh, bền vững, tạo bước đột phá trong kinh tế vùng; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị; phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị...
Để đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế của vùng Đông Nam Bộ và nâng cao tính năng động của các địa phương trong vùng như tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh kiến nghị Trung ương sớm hoàn thành quy hoạch vùng làm cơ sở triển khai đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế-xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối; có các chính sách để các địa phương phối hợp trong công tác đào tạo, thu hút và cung ứng lao động.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh tin tưởng Nghị quyết số 24-NQ/TW sẽ tạo sự phấn khởi của Đảng bộ, nhân dân trong vùng, mang lại nguồn cảm hứng và động lực mới cho quyết tâm thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới.
Nghị quyết lần này xác định, tầm nhìn đến năm 2045, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh; có chất lượng cuộc sống cao, có trình độ y tế, giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á…
Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh Bộ Xây dựng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương trong vùng để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, đầu tư, quy hoạch, phát triển đô thị, kiến trúc, xây dựng, theo hướng bảo đảm kết hợp đồng bộ và hài hòa giữa cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị với phát triển các đô thị mới, bảo đảm kiến trúc đô thị hiện đại, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy.
Căn cứ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đòi hỏi của thực tiễn, việc xây dựng Nghị quyết mới là cần thiết, phù hợp thực tiễn hơn về phát triển vùng. Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW thể hiện sự quan tâm đặc biệt, là chủ trương có ý nghĩa chiến lược nhằm huy động cao nhất các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng Đông Nam Bộ để phát triển nhanh, ổn định, bền vững, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của khu vực phía Nam và cả nước./.
Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)