Kích cầu, khôi phục thị trường
Từ tháng 9, hàng loạt điểm đến trong cả nước thông báo đón khách trở lại, mang tới hy vọng sớm khôi phục thị trường du lịch. Một số địa phương từng là “điểm nóng” của dịch Covid-19 kể từ cuối tháng 7 vừa qua, như tỉnh Quảng Ngãi đã cho phép tàu cao tốc đưa đón du khách trên tuyến vận tải biển Sa Kỳ - Lý Sơn.
Bắt đầu từ ngày 6-9 vừa qua, thành phố du lịch Hội An (tỉnh Quảng Nam) - nơi từng phải thực hiện biện pháp cách ly xã hội để chống dịch Covid-19, cho phép nối lại hoạt động tham quan và các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại khu phố cổ. Từ ngày 8-9, tỉnh Bình Định và tỉnh Phú Yên đón khách du lịch trở lại và mở cửa các cơ sở dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn. Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho phép mở cửa quán bar, vũ trường, tổ chức lễ hội, hội chợ và các điểm du lịch từ ngày 7-9. Trước đó, các tỉnh Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau, Kiên Giang... cũng đã mở lại các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn.
Ở khu vực phía Bắc, hoạt động du lịch tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình… đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Nhiều tour, tuyến khám phá được các công ty lữ hành khai thác với chính sách ưu đãi.
Giám đốc Công ty Du lịch VietSense Nguyễn Văn Tài cho biết, công ty đã mở bán các tour mùa thu đông với mức giá từ 1,9 triệu đồng đến 2,3 triệu đồng/khách, trong đó tập trung vào các tour khám phá mùa lúa chín, ruộng bậc thang tại Mù Cang Chải, Tú Lệ (tỉnh Yên Bái), Hoàng Su Phì, Xín Mần (tỉnh Hà Giang), Simacai (tỉnh Lào Cai)… Công ty Du lịch Flamingo Redtours chào bán những sản phẩm khám phá vẻ đẹp các tỉnh miền núi phía Bắc với mức giá từ 1,3 đến 2,6 triệu đồng/người.
Tại Hà Nội, các công ty du lịch tập trung khai thác “đặc sản” vẻ đẹp mùa thu Hà Nội, tận dụng chính sách giảm giá của nhiều cơ sở lưu trú để xây dựng sản phẩm kích cầu. Cụ thể, Công ty Lữ hành Hanoitourist chào bán tour “Hà Nội mùa thu” với giá giảm đến 50%, sản phẩm trải nghiệm khách sạn 5 sao Metropole Hà Nội 3 ngày 2 đêm với giá từ 3,3 triệu đồng. Theo Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng, dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt, đây là lúc thích hợp để ngành Du lịch nối lại các hoạt động kích cầu, khôi phục thị trường.
Không xa rời “mục tiêu kép”
Không chỉ có lĩnh vực lữ hành, hoạt động của nhiều đơn vị vận chuyển cũng có sự khởi sắc. Bộ Giao thông - Vận tải đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc khôi phục hoạt động khai thác của các phương tiện vận tải hành khách đi, đến thành phố Đà Nẵng. Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) thông báo mở lại đường bay tới Đà Nẵng từ ngày 7-9 và khai thác trở lại 6 đường bay nội địa: Hà Nội - Chu Lai, Hà Nội - Tuy Hòa, Hải Phòng - Điện Biên, Vinh - Buôn Ma Thuột, Vinh - Đà Lạt, Huế - Đà Lạt. Hãng Hàng không Vietjet Air kết hợp với chuỗi nghỉ dưỡng 5 sao Vinpearl (Tập đoàn Vingroup) thực hiện giảm giá 50% đối với vé máy bay và khách sạn trong khoảng thời gian từ nay đến 24-7-2021, khi khách đặt vé vào đầu tháng 9.
Đánh giá về hoạt động du lịch đồng thời bàn giải pháp phát triển du lịch hiệu quả trong tình hình mới, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh cho biết, ngành Du lịch đang nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Hiện tại, Tổng cục Du lịch đang gấp rút hoàn thiện kịch bản phát triển du lịch trong tình hình mới. Theo đó, kịch bản kích cầu lần 2 không “gói gọn” là “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, mà mở rộng cho người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam, kèm theo đó là cơ hội có hơn 5.000 khách quốc tế đến Việt Nam mỗi tuần khi các đường bay quốc tế được nối lại. “Ngoài mở rộng đối tượng khách du lịch, nhiều sản phẩm, cách làm mới đang được nghiên cứu để đưa vào kịch bản kích cầu lần này”, ông Nguyễn Trùng Khánh thông tin thêm.
Còn theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, để ngành Du lịch khởi sắc trong tình hình mới, mỗi địa phương cần có cách làm riêng nhằm khai thác thế mạnh tiềm năng, mang tính đặc trưng, từ đó tạo sự khác biệt trong xây dựng sản phẩm để thu hút khách. Thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch di sản, hướng tới xây dựng sản phẩm du lịch đêm; tập trung nâng cao chất lượng, sức hấp dẫn của sản phẩm.
Bên cạnh việc xây dựng sản phẩm kích cầu, tăng cường khâu quảng bá, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu tất cả điểm đến, hoạt động vận chuyển, khai thác tour du lịch phải tuân thủ đầy đủ các quy định trong phòng, chống dịch Covid-19, như: Khai báo y tế, yêu cầu du khách đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách, cung cấp dung dịch sát khuẩn tay cho du khách... Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, để du lịch phát triển bền vững trong tình hình mới, bên cạnh hoạt động kích cầu, điều quan trọng nhất là phải bảo đảm an toàn cho du khách.
Để khắc phục khó khăn do dịch Covid-19, thực hiện “mục tiêu kép”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Tổng cục Du lịch sớm rà soát cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn; xây dựng phương án phục hồi thị trường du lịch; đưa Quỹ Phát triển du lịch vào hoạt động...
Theo Hanoimoi.com.vn