Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước - sự kiện thu hút sự quan tâm của báo chí trong tuần, bởi đây là cuộc đối thoại để Chính phủ lắng nghe ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp với một quyết tâm đưa doanh nghiệp nhà nước trở lại đường ray phát triển, tương xứng với nguồn lực nắm giữ.
Doanh nghiệp nhà nước và kỳ vọng luồng gió mới
Theo tờ Thời báo Ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao và đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chi phối trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế.
Có thể nhắc tới vai trò đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, lĩnh vực viễn thông, thể hiện rõ vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số, hoặc quản lý và vận hành các hạ tầng cảng biển và hàng không quan trọng. Các ngân hàng thương mại nhà nước chiếm hơn 50% tổng dư nợ cho vay của toàn ngành.
Kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, các thị trường mà doanh nghiệp nhà nước đang chi phối. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Trong khó khăn hay khi có biến động trên thị trường, vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhà nước sẽ được thấy rõ hơn, trong đó có vai trò dẫn dắt, điều tiết, chia sẻ. Tuy nhiên, kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, các thị trường mà doanh nghiệp nhà nước đang chi phối.
Nếu đặt câu hỏi "Giai đoạn 5 năm qua, đâu là công trình, dự án mang dấu ấn doanh nghiệp nhà nước?", câu trả lời là "rất ít".
Khơi thông nguồn lực mới cho doanh nghiệp nhà nước
Tờ Diễn đàn doanh nghiệp dẫn số liệu thống kê, trong giai đoạn 2016 - 2020, tính riêng 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Viettel - nơi nắm giữ đến gần 90% nguồn lực của khu vực doanh nghiệp nhà nước, con số này là 3 dự án nhóm A. Đây là điểm rất khác biệt so với khu vực doanh nghiệp tư nhân tại cùng thời điểm. Với tình thế trên, rất khó để nói về vai trò, vị trí dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế.
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Vẫn nguyên bài toán "nặng trách nhiệm, nhẹ cơ chế"
Trong vai trò dẫn dắt, tiên phong của doanh nghiệp nhà nước, dường như Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có nhiều nỗi niềm hơn cả.
Trong 2 năm chịu tác động của đại dịch, Tổng công ty đang mất đi vốn điều lệ gần 2.000 tỷ đồng, trên vốn điều lệ 30.000 tỷ đồng. Trong khi đó, thị phần ngày một suy giảm, dù đã chủ động chuyển sang vận tải hàng hóa khi khách đi tàu giảm, Báo Đầu tư dẫn chứng.
Ðưa doanh nghiệp nhà nước trở lại đường ray phát triển
Báo Nhân dân phân tích, bất kỳ doanh nghiệp nhà nước nào cũng đều có dư địa phát triển, nhưng vì một số nguyên nhân, nhiều doanh nghiệp không có động lực phát triển, vẫn ỷ lại, trông chờ vào ngân sách, người lãnh đạo sợ trách nhiệm, không muốn và không dám làm. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở nhiệm vụ cổ phần hóa, thoái vốn mà cả trong các dự án đầu tư khiến quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhiều năm không đạt mục tiêu đề ra, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp cũng đình trệ.
Cũng vì sự trì trệ đó nên thực tế, thời gian qua, nói đến doanh nghiệp nhà nước là nói đến thua lỗ, yếu kém, vi phạm pháp luật. Vì vậy, trong đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp còn có tâm lý tự ti không muốn làm, chỉ cần đạt mục tiêu bảo toàn vốn.
Vai trò dẫn dắt
Các nỗ lực triển khai, củng cố vị trí, vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn qua chủ yếu tập trung đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn; xử lý những tồn tại, tiêu cực, sai phạm trong thực hiện tái cơ cấu, đầu tư của giai đoạn trước... Trong khi đó, cơ chế để doanh nghiệp nhà nước tự chủ trong đầu tư kinh doanh, quản trị và quản lý điều hành chưa rõ ràng.
Hệ quả là các doanh nghiệp nhà nước không được làm hoặc không dám làm những việc bình thường như một doanh nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp nhà nước thua xa khu vực tư nhân trong huy động vốn, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đầu tư, kinh doanh, phát triển và mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ…; thua xa về cơ chế thu hút người tài, nhất là đội ngủ quản lý giàu kinh nghiệm, tài năng, đẳng cấp khu vực và toàn cầu, Báo Đầu tư bình luận.
Tháo điểm nghẽn để doanh nghiệp nhà nước giữ được vai trò dẫn dắt
Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu nhận diện những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách đối với khu vực này, để từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp đổi mới nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị với doanh nghiệp nhà nước. (Ảnh: TTXVN)
Thời gian tới, xách định khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục góp phần đắc lực, hiệu quả trong việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đặc biệt, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và luôn nhạy bén, linh hoạt, thích ứng với mọi điều kiện.
Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp nhà nước phải đóng vai trò tiên phong trong đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, văn hóa doanh nghiệp, đạo đức trong kinh doanh…
Về mục tiêu, một số doanh nghiệp phải tạo ra phát triển đột phá, tập đoàn lớn phải là "quả đấm thép", đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người lao động, đồng thời, huy động nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng và cũng phải đề xuất làm những công trình trọng điểm có tính lịch sử.
Doanh nghiệp nhà nước phải tạo sự đột phá
Theo tờ Người Lao động, ngay sau hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết với các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy, đổi mới, nâng cao hiệu quả nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội.
Sứ mệnh của doanh nghiệp nhà nước đã được Đảng xác định rõ trong các nghị quyết Trung ương. Trăn trở của chúng ta là làm thế nào để doanh nghiệp thực hiện được sứ mệnh này.
Doanh nghiệp nhà nước phải "xốc vác, tiên phong"
Báo Tiền phong dẫn lời Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Thanh tra Chính phủ sớm hoàn thiện hồ sơ, các chính sách để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn liên quan đến quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; khẩn trương trình các nghị định về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người quản lý, người lao động trong doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường cũng như nghiên cứu đổi mới các quy định về thanh tra doanh nghiệp…
Rõ ràng, những giải pháp mang tính đột phá trong hoàn thiện thể chế, chính sách… đang được kỳ vọng sẽ phá vỡ sức ỳ, khơi thông nguồn lực, đưa doanh nghiệp nhà nước trở lại đường ray phát triển, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
Nguồn VTV