Đẩy mạnh đầu tư
Tận dụng thế mạnh về vị trí địa lý ở cửa ngõ Thủ đô Hà Nội là điều kiện thuận lợi để Bắc Ninh thu hút khách từ các trung tâm du lịch lớn. Thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch về số lượng, quy mô và chất lượng dịch vụ. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bắc Ninh hiện có 541 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; trong đó có 503 cơ sở lưu trú (4 cơ sở đạt tiêu chuẩn 5 sao, 1 cơ sở đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 cơ sở 2 sao), 38 đơn vị kinh doanh lữ hành, vận chuyển khách, cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ khách. Tổng giá trị vốn đầu tư xã hội cho du lịch lũy kế từ năm 2016 đến năm 2022 đạt gần 8.300 tỷ đồng, tăng 3,6 lần so với năm 2016.
Bên cạnh đó, tỉnh phát triển hạ tầng giao thông gắn với hạ tầng du lịch như cầu Phật tích - Đại Đồng Thành, cầu Bình Than, cầu Kênh Vàng; cải tạo nâng cấp một số đoạn, tuyến đường đê sông Đuống kết nối các điểm di tích, điểm du lịch. Đặc biệt, tỉnh thu hút đầu tư dịch vụ khách sạn, nhà hàng với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp uy tín về đầu tư, hình thành chuỗi khách sạn, nhà hàng cao cấp tiêu chuẩn 5 sao như: khách sạn Grand Phoenix, khách sạn Mường Thanh, khách sạn Le Indochina, Trung tâm thương mại Vincom, Khu nghỉ dưỡng 5 sao Phoenix.
Giai đoạn 2016 - 2022, du lịch Bắc Ninh có tốc độ tăng trưởng trung bình 14,02%/năm, đón từ 1,1-1,6 triệu lượt khách/năm. Tổng thu từ du lịch năm 2019 đạt 1.100 tỷ đồng (trong 2 năm 2020 và 2021 những chỉ tiêu này giảm do ảnh của dịch COVID-19). Du lịch phục hồi tích cực sau khi Chính phủ cho phép mở cửa trở lại từ tháng 3/2022. Tổng doanh thu du lịch năm 2022 ước đạt 830 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2021; tổng lượt khách đạt 1,2 triệu lượt, tăng 50%.
Sự phát triển hạ tầng, kỹ thuật của các cơ sở kinh doanh du lịch đã góp phần làm thay đổi diện mạo, cảnh quan đô thị Bắc Ninh và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch. Cùng với đó, tỉnh đã hình thành 14 điểm du lịch, xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng điểm đến, phục vụ khách du lịch. Bắc Ninh tập trung vào một số loại hình du lịch văn hóa gắn với tham quan các di tích lịch sử văn hóa tâm linh, lễ hội, khoa bảng, làng nghề và kiến trúc; du lịch gắn với các giá trị di sản văn hóa Quan họ; du lịch gắn với giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học; du lịch sự kiện hội nghị - hội thảo.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Đáp thẳng thắn thừa nhận du lịch Bắc Ninh hiện nay chủ yếu phát triển theo chiều rộng thông qua khai thác thô tài nguyên. Sự phát triển của du lịch còn chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng to lớn của tỉnh, nhất là tiềm năng du lịch văn hóa. Công tác bảo tồn di sản văn hóa mới chỉ thực hiện tốt ở nội dung bảo tồn, gìn giữ giá trị ở phần lõi. Việc gắn kết với đầu tư hệ thống hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, cơ sở vật chất còn thiếu ở các điểm du lịch. Doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch từ sản phẩm văn hóa làng nghề, sản phẩm nông sản, ẩm thực và từ giá trị của các di sản văn hóa…
Nguyên nhân tình trạng trên do đặc thù điều kiện tự nhiên của tỉnh không có biển, rừng, hang động… đã phần nào ảnh hưởng tới sự hấp dẫn, đa dạng để hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh. Vị trí địa lý gần Thủ đô Hà Nội cũng có ảnh hưởng nhất định về lợi thế cạnh tranh khách ở lại qua đêm. Tài nguyên du lịch văn hóa của tỉnh mang yếu tố mùa vụ cao, chủ yếu là lượng khách nội địa và chỉ tập trung các tháng đầu và cuối năm. Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho cơ sở hạ tầng du lịch chưa đủ sức thuyết phục, thu hút rộng rãi các thành phần kinh tế tham gia. Các doanh nghiệp du lịch của tỉnh hầu hết quy mô nhỏ, năng lực tài chính và tính chuyên nghiệp chưa cao, thiếu sức cạnh tranh khi ra nhập thị trường, khó có khả năng đầu tư, xây dựng những sản phẩm lớn mang tính đột phá cho du lịch tỉnh.
Tạo sản phẩm đột phá, phát triển du lịch nhanh, bền vững
Nhằm phát huy thế mạnh, khắc phục hạn chế, khó khăn, địa phương đã triển khai thực hiện Đề án “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030”. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu phát triển du lịch nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế về di sản văn hóa; phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, du lịch thông minh. Đến năm 2030, đưa Bắc Ninh trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa lớn của vùng Đồng bằng sông Hồng và của cả nước. Du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cụ thể, đến năm 2025, tỉnh Bắc Ninh đón và phục vụ từ 2-2,5 triệu lượt khách du lịch; năm 2030, tỉnh đón và phục vụ trên 5 triệu lượt khác du lịch, tổng thu du lịch đạt 4.500 tỷ đồng, phát triển đồng bộ các dịch vụ, sản phẩm du lịch văn hóa các tiện ích du lịch, ứng dụng công nghệ số, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hoàn thành cơ sở dữ liệu văn hóa của tỉnh, phát triển từ 1-2 sản phẩm du lịch “ảo”, du lịch “3D”…
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Đáp cho biết, để đạt được điều đó, Bắc Ninh tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền cơ sở đối với công tác bảo vệ, gìn giữ giá trị di sản văn hóa và nhiệm vụ phát triển du lịch; xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch; tăng cường công tác quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối trung tâm, khu, điểm du lịch, điểm di sản văn hóa; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch từ giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh; đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, di sản văn hóa với xúc tiến du lịch và phát triển thị trường. Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng số hóa trong xây dựng sản phẩm truyền thông du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch, chú trọng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tại điểm.
Với việc thực hiện Đề án này, Bắc Ninh chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng bao gồm phát triển mạng lưới các khu, điểm du lịch từ hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu; tạo sản phẩm du lịch từ các bảo vật quốc gia. Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng sản phẩm du lịch di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh và các loại hình nghệ thuật dân gian; phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở các làng Quan họ, làng nghề, làng nông nghiệp nông thôn; xây dựng các sản phẩm du lịch lễ hội, lựa chọn, nâng tầm quy mô tổ chức từ 2 - 3 lễ hội truyền thống, gắn với mục tiêu phát triển du lịch, tăng cường văn hóa ẩm thực. Tỉnh cũng chú ý phát triển du lịch trên sông Đuống, sông Cầu, đa dạng các sản phẩm quà tặng, đồ lưu niệm.
Căn cứ vào đó, tỉnh đã xây dựng lộ trình thực hiện. Cụ thể, giai đoạn 2022 - 2025, tổng vốn đầu tư du lịch dự kiến trên 1.100 tỷ đồng. Trong giai đoạn này, tỉnh tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách triển khai quy hoạch, xây dựng các chương trình, đề án phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá văn hóa, du lịch. Giai đoạn 2026 - 2030, tổng vốn đầu tư du lịch dự kiến gần 3.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 148 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn xã hội hóa nhằm tập trung phát triển các sản phẩm du lịch, mở rộng liên kết hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước và các giải pháp phát triển du lịch bền vững.
Nguồn TTXVN