Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một trong những vấn đề quan trọng được Tổng Bí thư nhấn mạnh là cần phải quán triệt quan điểm “lấy dân làm gốc” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Sức mạnh và động lực to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân (...). Nếu không dựa vào dân thì cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khó có thể thành công. Dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc tiếp thu cái đúng…”.
Ý kiến của nhân dân góp phần quan trọng đưa hành vi sai phạm ra ánh sáng
Tại tọa đàm khoa học được tổ chức mới đây ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, các chuyên gia, nhà khoa học đã có những phân tích đa chiều, sâu sắc, qua đó làm rõ quan điểm lấy dân làm gốc trong cuộc chiến “chống giặc nội xâm” của người đứng đầu Đảng ta.
Theo GS.TS Lê Văn Lợi – Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, thực tiễn thời gian qua cho thấy, nhân dân đã thể hiện vai trò rất lớn trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thể hiện qua việc phản ánh, tố giác những hiện tượng vi phạm pháp luật.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, trong năm 2022, có 284.309 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh… Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 19.975/23.526 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 84,9% (tăng 8,6% so với năm 2021).
Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 25,2 tỷ đồng, 1,9ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 319,0 tỷ đồng, 8ha đất; chuyển cơ quan điều tra xử lý 32 vụ, 35 đối tượng (có 13 cán bộ, công chức).
Nhân dân chính là mạng lưới rộng khắp để phát giác và cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những hành vi tham nhũng, tiêu cực. Khi thực hiện tối đa quyền giám sát của mình, nhân dân sẽ trở thành “tai mắt” của Đảng, Nhà nước, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nhân dân trăm tai nghìn mắt vẫn có nhiều ý kiến thông minh… công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân.
"Những thông tin, ý kiến của nhân dân góp phần quan trọng để đưa những hành vi sai phạm của cán bộ, đảng viên ra ánh sáng”, GS Lê Văn Lợi nhấn mạnh.
Nhấn mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc chiến chống “nội xâm”, rất phức tạp, khó khăn, PGS.TS Nguyễn Viết Thảo (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, tuy không khói súng, nhưng trong nhiều trường hợp, cuộc đấu tranh mang tính đối kháng “một mất, một còn” giữa một bên là những phần tử tha hóa, biến chất, tham nhũng, tiêu cực sẵn sàng đạp đổ tất cả và một bên là kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, toàn Đảng, toàn dân kiên quyết, kiên trì quét sạch “nội xâm”, bảo vệ công lý, bảo vệ sự nghiệp cách mạng.
Kế thừa di sản quý báu của tư tưởng Hồ Chí Minh “khó vạn lần dân liệu cũng xong” và quán triệt quan điểm Đại hội XIII “dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, trong cuốn sách, Tổng Bí thư đã tổng kết phương châm “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.
Người đứng đầu Đảng ta yêu cầu huy động, tổ chức, phát huy sức mạnh không chỉ của các cơ quan chức năng, mà phải là của toàn dân, cả hệ thống chính trị vào cuộc chiến này.
Không dựa vào dân thì chống tham nhũng, tiêu cực khó thành công
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, không ít phần tử tham nhũng, tiêu cực là những người có quyền lực lớn, tinh vi, được tổ chức thành những "nhóm lợi ích". Mặc dù chúng ta đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương và các ban chỉ đạo tỉnh, thành phố để trực tiếp chỉ đạo các chuyên án lớn, phức tạp, nhưng vẫn có những vụ việc còn kéo dài.
"Trong bối cảnh này, nhất định phải dựa vào các tầng lớp nhân dân với đội ngũ "trên dưới, dọc ngang" cung cấp thông tin, phát hiện, tố giác và đấu tranh, kiên quyết đốn bỏ khỏi cơ thể Đảng và hệ thống chính trị những gì đã bị tha hóa, mục ruỗng”, PGS.TS Nguyễn Viết Thảo cho biết.
Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Hồng Quý (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật) nhấn mạnh: Nếu không dựa vào dân thì cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khó có thể thành công.
Theo bà, trong mọi công việc, phải luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “dân là gốc”, “phải gần dân, giúp dân, học dân”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Phải kiên quyết loại bỏ thái độ bàng quan, vô cảm trước những bức xúc của nhân dân; kiên quyết loại bỏ mọi hành vi lạm dụng, lợi dụng quyền lực để xâm phạm lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Cùng với đó, cần có cơ chế, điều kiện, công cụ để người dân tham gia rộng rãi vào công cuộc phòng, chống tham nhũng.
“Cần có quy định khen thưởng, nêu gương và bảo vệ những người dám tố cáo hành vi tham nhũng”, bà Nguyễn Thị Hồng Quý đồng thời cho biết, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh lâu dài, cam go và vô cùng phức tạp.
Thành bại của cuộc đấu tranh này phụ thuộc vào bản lĩnh của Đảng cầm quyền, hiệu lực của hệ thống pháp luật và đặc biệt là sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân. Muốn chiến thắng trong cuộc đấu tranh này phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân với quyết tâm “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”./.
Kim Anh/VOV.VN