EVFTA - "cứu cánh" trong phát triển kinh tế giữa hai bên
Ngày 27/8, trong khuôn khổ Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam – châu Âu, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và VCCI đã tổ chức Hội thảo trực tuyến “Hành trình 1 năm Hiệp định EVFTA: Khởi đầu thuận lợi và những bước tiếp theo”.
Dệt may là mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường các nước EU |
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, trong gần 400 ngày vừa qua kể từ khi có hiệu lực ngày 1/8/2020, EVFTA đã cho thấy những đóng góp có ý nghĩa như một cứu cánh trong phát triển kinh tế giữa hai bên và cho sự tăng trưởng của Việt Nam mà những thay đổi trong quan hệ xuất nhập khẩu song phương là minh chứng điển hình.
Trong suốt 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tụt dốc liên tục với mức giảm -5,9% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, dưới tác động của EVFTA, 5 tháng cuối năm 2020, trong khi tổng nhập khẩu của EU từ thế giới vẫn sụt giảm tới 20%, nhập khẩu từ Việt Nam sang thị trường này lại tăng 3,8%. Nửa đầu năm 2021, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU vẫn tăng liên tục và ổn định, ở mức 18,3% so với cùng kỳ, đặc biệt là sự bứt phá của nhóm hàng nông sản.
Ở chiều ngược lại, EVFTA cũng thúc đẩy mạnh mẽ nhập khẩu từ EU vào Việt Nam, với các sản phẩm như linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị… là thế mạnh của EU và cũng là nguồn đầu vào quan trọng cho Việt Nam. Nếu như năm 2020, nhập khẩu từ EU của Việt Nam tăng 4,3% (cao hơn mức 3,7% tăng trưởng nhập khẩu từ tất cả các nguồn) thì 6 tháng đầu năm 2021, con số này là 19,8%.
Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng được ưu đãi thuế quan theo EVFTA của Việt Nam cũng đạt được mức cao nhất so với năm đầu thực thi của bất kỳ FTA nào khác. Theo Bộ Công Thương, 5 tháng cuối năm 2020, tỷ lệ này là 14,8% (quan sát của VCCI cho thấy tỷ lệ này gấp 2 lần tỷ lệ sử dụng ATIGA, gấp 7 lần AIFTA, gấp 2 lần tỷ lệ tận dụng các thị trường mới của CPTPP trong năm đầu). Nửa đầu năm 2021, tỷ lệ này đã tăng lên tới mức 29%.
Về đầu tư, với những cam kết về quản trị minh bạch từ Hiệp định EVFTA và những cam kết tạo môi trường thương mại đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư của hai bên, Việt Nam đã tiếp nhận được nguồn đầu tư có chất lượng và được học hỏi, hấp thụ khoa học và công nghệ tiên tiến từ EU, tạo ra những giá trị và lợi ích cho doanh nghiệp và nhà đầu tư của cả hai bên.
Ông Alain Cany – Chủ tịch Eurocharm – cũng nhìn nhận, những kết quả đạt được sau hơn 1 năm thực thi sẽ còn gia tăng hơn nữa khi Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) có hiệu lực sau khi Hiệp định này đã được phê chuẩn ở mỗi quốc gia thành viên EU. Trong khi đó, chỉ số niềm tin kinh doanh của EuroCham (BCI) cho thấy rằng gần 2/3 thành viên của chúng tôi đã được hưởng lợi từ EVFTA kể từ khi EVFTA có hiệu lực.
Tuy nhiên, sau những thành công bước đầu khả quan và tích cực trong thực thi EVFTA, Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới khó khăn hơn, thách thức hơn dưới áp lực chưa từng có của dịch bệnh ở Việt Nam.
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, ở góc độ sản xuất, dịch bệnh khiến chuỗi sản xuất bị đứt gãy nghiêm trọng, từ việc thiếu lao động, đến phải ngừng sản xuất do không đáp ứng được điều kiện làm việc trong giãn cách, từ việc thiếu hụt nguồn đầu vào đến việc không thể giải phóng nguồn đầu ra do ách tắc trong khâu vận chuyển liên tỉnh. Với các doanh nghiệp xuất khẩu, không chỉ đầu vào và sản xuất gặp rủi ro, đầu ra cũng cực kỳ phức tạp khi đơn hàng không thể xuất theo kế hoạch, vận tải đường bộ chậm trễ do các thủ tục kiểm soát dịch bệnh, cảng xuất ách tắc do không thể vận hành bình thường, tình trạng thiếu container rỗng vẫn diễn biến nghiêm trọng và chi phí logistics tăng phi mã.
“Liệu những đơn hàng mà hiện vì dịch bệnh mà doanh nghiệp không thể đáp ứng, khách hàng chuyển sang mua từ các nước khác, có quay trở lại với Việt Nam sau đó? Liệu nguồn nguyên liệu đầu vào có khôi phục lại?”- ông Vũ Tiến Lộc trăn trở.
Tuy vậy, theo ông Alain Cany, bất chấp những thách thức ngắn hạn đáng kể này, chúng ta không được đánh mất những cơ hội dài hạn mà EVFTA mang lại.
Tập trung thêm ngành có tiềm năng phát triển trong tương lai
Để xử lý tất cả những nguy cơ cả hiện hữu và trong tương lai này, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần rất nhiều giải pháp từ cả chính sách của Nhà nước và chiến lược riêng của doanh nghiệp. Trong các giải pháp đó, EVFTA có thể đóng góp và là một trợ lực ý nghĩa cho doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh để tiếp tục kinh doanh trong thời gian tới nếu khai thác hiệu quả các khía cạnh thích hợp.
Dẫn số liệu tham khảo tiềm năng xuất khẩu của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) (Bộ Công Thương) – cho biết, ước tính thị trường EU còn tới 49% dung lượng mà Việt Nam có thể khai thác. Trong đó, nhóm công nghiệp chế biến còn 35%-60% chưa khai thác và nhóm nông sản thực phẩm còn có thể khai thác từ 35%-90%, tuỳ theo sản phẩm cụ thể.
Theo các chuyên gia, khi xây dựng các giải pháp phục hồi sau đại dịch Covid-19 nên ưu tiên đặc biệt cho những ngành quan trọng có đóng góp nhiều nhất vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian gần đây để tiếp tục tận dụng lợi thế khi thực hiện EVFTA. Ví dụ, các mặt hàng như dệt may và da giày, điện thoại di động, máy tính, nông sản luôn được coi là các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường các nước EU. Đáng chú ý, tăng trưởng xuất khẩu nông sản Việt Nam sang EU ngay trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thời gian qua là tín hiệu hết sức khả quan, cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chứng minh được chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của EU, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng EU, nhiều sản phẩm Việt Nam được ưa chuộng như hạt điều, cà phê, rau củ, thanh long, vải…
“Về lâu dài, cần tập trung thêm các ngành có tiềm năng phát triển trong tương lai như năng lượng tái tạo, ô tô sử dụng năng lượng sạch và những sản phẩm khác Việt Nam có cơ hội thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn (từ khâu thiết kế đến xây dựng thương hiệu) như đồ gỗ nội thất, dệt may, nông sản nguồn gốc thiên nhiên chế biến (NI)…”- ông Vũ Bá Phú cho hay.
Bên cạnh đó, lĩnh vực thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam cũng được xem là có nhiều cơ hội bứt phá sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát nhờ việc hai bên thúc đẩy thực thi EVIPA.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có khả năng diễn biến phức tạp, kéo dài trên phạm vi toàn thế giới, ảnh hưởng đến các hoạt động xuất khẩu và đầu tư, việc thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA và EVIPA cần sự chung tay của các Bộ, ngành, địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp.
Nhằm tận dụng các cơ hội mà EVFTA mang lại, ông Vũ Bá Phú cho biết, Bộ Công Thương luôn ưu tiên đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu thông tin, kết nối đối tác, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU. Trong khuôn khổ Chương trình XTTM quốc gia, hàng năm, Bộ Công Thương dành trung bình 20% tổng kinh phí của Chương trình cho các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường này.
Trong thời gian tới, Cục XTTM sẽ tiếp tục đổi mới cách thức triển khai hoạt động XTTM theo hướng tăng cường các hoạt động hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả tham gia hoạt động XTTM của doanh nghiệp; đa dạng hóa hoạt động XTTM phù hợp với các nhóm đối tượng doanh nghiệp khác nhau; hỗ trợ triển khai hoạt động XTTM theo chuỗi giá trị từ khâu phát triển sản phẩm, xúc tiến đầu tư, xây dựng phát triển thương hiệu, phát triển thị trường xuất khẩu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và kỹ năng xúc tiến phát triển thị trường tận dụng các cơ hội FTA cho doanh nghiệp.
Song hành với công tác phổ biến tuyên truyền về các cam kết và cách thức tận dụng cam kết FTA, cần thiết phải thúc đẩy hơn nữa các nỗ lực quảng bá, xúc tiến thương mại Việt Nam ở thị trường tiềm năng, đồng thời giới thiệu các cơ hội thị trường, hỗ trợ các thông tin về đặc điểm và yêu cầu của thị trường, đặc biệt là với các thị trường mới theo các FTA cho các doanh nghiệp Việt Nam.