Để vào thị trường EU, gỗ và sản phẩm gỗ của nước ta phải thực hiện trách nhiệm giải trình về truy xuất nguồn gốc, nhằm loại trừ rủi ro nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ bất hợp pháp; EU chỉ khuyến khích sản phẩm gỗ có Giấy phép FLEGT tại thị trường của mình.
Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường, cơ chế cấp phép FLEGT sẽ góp phần tăng uy tín ngành chế biến gỗ Việt Nam. Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam phải bảo đảm hàng xuất sang EU 100% hợp pháp (bất kể gỗ nguồn gốc nhập khẩu hay gỗ rừng trồng).Hiện nay, kim ngạch XK gỗ và lâm sản sang thị trường EU của nước ta đạt từ 1 - 1,2 tỷ USD mỗi năm. Trong 10 năm qua, kim ngạch XK gỗ và lâm sản tăng từ 3,4 tỷ USD năm 2010 lên 11,2 tỷ USD năm 2019. Các sản phẩm gỗ và lâm sản của nước ta có mặt ở hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp: Kim ngạch XK gỗ và lâm sản tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới. Điều này góp phần thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị lâm sản toàn cầu hợp pháp, bền vững và có lợi cho các bên; gắn liền với quản lý, kinh doanh lâm sản bền vững, hiệu quả. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid - 19, nhưng dự báo XK của ngành chế biến gỗ nước ta vẫn đạt mục tiêu 12 tỷ USD trong năm nay.
Theo Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Hà Công Tuấn, để chinh phục thị trường EU, doanh nghiệp chế biến gỗ cần chú trọng đầu tư, tự động hóa trong sản xuất, áp dụng công nghệ quản lý mới, nâng cao chất lượng, tay nghề công nhân. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất nguyên liệu đến XK nhằm nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng.
Trên địa bàn tỉnh Hà Giang, tiềm năng phát triển lâm nghiệp rất lớn; diện tích đất lâm nghiệp chiếm trên 71,5%. Các huyện vùng thấp có lợi thế lâm sản gỗ, vùng nguyên liệu có thể thiết lập lên tới 70 nghìn ha; các huyện vùng cao có lợi thế về lâm sản ngoài gỗ và gỗ quí. Tổng giá trị khai thác lâm sản gỗ và ngoài gỗ hàng năm có thể đạt trên 1.500 tỷ đồng từ sau năm 2020, tổng giá trị dịch vụ môi trường rừng đạt hàng trăm tỷ đồng/năm.
Sản xuất ván ép tại Nhà máy chế biến gỗ MDF (Khu công nghiệp Bình Vàng – Vị Xuyên). Ảnh: Báo Hà Giang
Từ lợi thế trên, trong định hướng phát triển lâm nghiệp của tỉnh xác định: Năm 2020, tổng độ che phủ của rừng đạt 58%, trong đó rừng tự nhiên 40%, phần còn lại do rừng trồng đảm nhiệm (18%); từ năm 2025, độ che phủ của rừng đạt tối đa, duy trì ổn định ở mức 62%. Phấn đấu thu nhập từ rừng (lâm sản gỗ và lâm sản ngoài gỗ như Thảo quả, Giảo cổ lam, lá khôi…) đạt 1.100 tỷ/năm trong giai đoạn 2017 - 2020. Năng suất rừng trồng mới tăng ít nhất 1,2-1,5 lần vào năm 2020, ít nhất 1,5-1,8 lần vào năm 2025, tương đương 60-70 m3/ha/chu kỳ 7 năm.
Số liệu thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, năm 2016 người dân khai thác rừng trồng hơn 4.000 ha, lớn hơn gần 3 lần giai đoạn 2011 - 2015. Đây không chỉ là nguồn thu, mà còn có ý nghĩa thúc đẩy đầu tư, đưa giống tốt, kỹ thuật thâm canh vào sản xuất cho chu kỳ mới; các chủ rừng đã nhận thức tốt và bắt đầu đi theo hướng phát triển rừng cung cấp lâm sản ngoài gỗ - dược liệu; việc cấp chứng chỉ FSC cho hàng nghìn ha rừng trồng không chỉ làm tăng giá bán gỗ, khuyến kích người dân tăng năng suất, mà còn có tác dụng đặc biệt to lớn, đi vào cốt lõi của vấn đề là tổ chức lại sản xuất cho nông hộ theo hướng liên kết, hình thành các tổ hợp tác bền chặt.
Với những định hướng phát triển lâm nghiệp của tỉnh, sự vào cuộc mạnh mẽ của người dân, các doanh nghiệp tích cực đầu tư máy móc, công nghệ chế biến hiện đại… đang là bước khởi đầu quan trọng để tương lai không xa, các sản phẩm gỗ rừng trồng tỉnh ta có mặt tại thị trường EU./.
Theo Báo Hà Giang