Tỷ lệ doanh nghiệp Nhật dự định mở rộng tại Việt Nam ở mức cao chỉ sau Pakistan, Ấn Độ và Myanmar. Biểu đồ: JETRO |
Đó là một trong những nội dung của Khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm tài chính 2020 vừa được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố ngày 8/2.
Theo đó, trong số hơn 900 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam tham gia trả lời khảo sát, có hơn 400 doanh nghiệp có ý định tiếp tục đầu tư để mở rộng các chức năng như bán hàng; sản xuất hàng hóa thông dụng, hàng hóa có giá trị cao; kho vận và nghiên cứu. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp mở rộng chức năng bán hàng và sản xuất hàng hóa thông dụng ở mức cao tại Việt Nam ở mức cao so với các quốc gia, khu vực khác.
Ngoài ra, có 16,4% doanh nghiệp cho biết sẽ tăng cường đầu tư thiết bị, đầu tư mới trong thời gian tới. Các lĩnh vực được doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đầu tư gần đây không chỉ là công nghiệp chế tạo, chế biến mà còn có cả chuyển đổi số, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao…
Bên cạnh số doanh nghiệp dự định mở rộng kinh doanh, có 47% doanh nghiệp. cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô hiện tại và khoảng 6,1% số doanh nghiệp dự định thu nhỏ hoặc huyển sang quốc gia khác.
Về triển vọng lợi nhuận năm 2020, có 49,6% doanh nghiệp dự báo có lãi trong năm 2020, giảm 16,2 điểm so với năm trước; trong khi đó trên 30% doanh nghiệp bị lỗ, tăng 10% so với năm 2019.
“Giống như các nước và các khu vực khác, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng của virus Corona chủng mới nên tỷ lệ lãi bị suy giảm. Tuy nhiên, cùng với Malaysia và Singapore, tỷ lệ này vẫn thuộc mức tiêu chuẩn cao trong khu vực ASEAN. Tại Indonesia, Philippines và Thái Lan, tỷ lệ lãi bị sụt giảm lớn” – báo cáo của JETRO nêu.
Về triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2021, tại Việt Nam, có 54% doanh nghiệp cho rằng sẽ “cải thiện” và 12,6% doanh nghiệp trả lời sẽ “suy giảm” do lo ngại về các tác động trong tương lai.
Hơn 86% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng tới năm 2021 hoạt động kinh doanh sẽ được bình thường hóa, 10% doanh nghiệp trả lời là từ năm 2022 trở đi.
Đánh giá về các lợi thế của Việt Nam, hơn 50% doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao về tiềm năng tăng trưởng của thị trường, tình hình chính trị - xã hội ổn định và chi phí nhân công rẻ.
Trong khi đó, đánh giá về các rủi ro chính, gần 64% doanh nghiệp lo ngại về chi phí nhân công tăng vọt. Cùng với đó, 49% lo ngại về hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện,vận hành thiếu minh bạch. Ngoài ra, hệ thống thuế, thủ tục thuế phức tạp và thủ tục hành chính phức tạp là những rủi ro tại Việt Nam tăng lên đáng kể trong cuộc khảo sát năm 2020.
Do đó, các doanh nghiệp trông đợi hệ thống thủ tục thuế, hành chính sẽ được cải thiện theo hướng đơn giản hóa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp coi trọng việc tuân thủ quy định có thể dễ dàng hoạt động.
Song song với hoàn thiện chính sách, doanh nghiệp Nhật Bản cũng mong muốn mở rộng thu mua linh kiện, vật liệu tại chỗ. Hiện tỷ lệ thu mua tại chỗ tại Việt Nam là 37%, tăng 0,7 điểm so với khảo sát năm 2019.
“Tỷ lệ thu mua tại chỗ của Việt Nam tăng dần từ năm 2010, nhưng sự tăng trưởng đó còn chậm. Những năm gần đây mặc dù ngang hàng với Malaysia, nhưng so sánh với Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia thì vẫn ở mức thấp” – JETRO cho biết.
Theo đó, để thu hút các nhà đầu tư mới và doanh nghiệp cũ mở rộng đầu tư, Việt Nam cần phát triển công nghiệp hỗ trợ, cải thiện nhanh khả năng cung ứng nội địa.