Từ chuyện đồng phục
Mới đây, việc phụ huynh một trường tiểu học lời qua tiếng lại với hiệu trưởng xung quanh đề nghị có thể “cưa ngắn” chiếc quần dài trong bộ đồng phục đến trường của học sinh, khiến cộng đồng mạng chia hai luồng ý kiến. Một bên ủng hộ đề xuất của phụ huynh, vì cho rằng, trong điều kiện thời tiết nóng bức, nhiều phòng học chưa được lắp máy lạnh, bắt học sinh mặc quần dài từ sáng đến chiều là một cực hình đối với các em.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nhiều người đồng tình với trả lời của thầy hiệu trưởng, vì “nhập gia tùy tục”, quần dài đúng là bất tiện nhưng đó là hình ảnh mang tính truyền thống, đã trở thành thương hiệu được hàng chục thế hệ học sinh lưu giữ và kế thừa. Câu chuyện đồng phục hiện chưa có hồi kết nhưng ít nhiều ảnh hưởng tâm lý học sinh.
Một cơ sở may đồng phục học sinh. Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Cũng đầu năm học này, một trường tư thục quy định tất cả học sinh phải mang giày da bít mũi, bít gót khi đến trường. Ngay sau khi thông báo phát đi, nhiều phụ huynh lên tiếng phản đối vì quy định quá sát ngày tựu trường, hầu hết phụ huynh đã mua sắm đồng phục, trong đó có giày dép cho học sinh. Chưa kể, ở độ tuổi học sinh tiểu học, các em chạy nhảy cả ngày, khả năng giày bị ẩm ướt hoặc vấy bẩn khá cao, nên nhiều ý kiến đề xuất không nên bắt buộc học sinh mang giày bít mũi.
Sau khi tiếp nhận ý kiến của phụ huynh, nhà trường đã quyết định lùi thời gian thực hiện thêm 2 tháng, tức học sinh có thể mang các loại giày, ba ta trong 8 tuần đầu tiên của năm học mới. Tuy nhiên, từ tháng 11 trở đi, học sinh phải mang giày đúng theo quy định.
Đến chuyện sách giáo khoa
Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên cả nước thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ lớp 1, với điểm khác biệt lớn nhất là mỗi trường tiểu học triển khai một bộ sách giáo khoa. Do đó, nhiều phụ huynh lớp 1 “kêu trời” với quy định trang bị bộ đồ dùng thực hành hai môn tiếng Việt và Toán.
Theo đó, có trường cho phụ huynh đăng ký mua chung theo đơn vị lớp, có trường đề nghị phụ huynh tự tìm mua ở ngoài. Đáng nói, trên thị trường đồ dùng học tập hiện nay, có 2 bộ đồ dùng thực hành hai môn học này cho học sinh lớp 1 (phân biệt bằng hai màu vỏ hộp là xanh dương và vàng). Phụ huynh nếu không tìm hiểu kỹ sẽ dễ nhầm lẫn, phải tốn tiền gấp đôi mua đúng bộ đồ dùng cho con.
Tình trạng loạn giá sách giáo khoa được cộng đồng mạng quan tâm. Ảnh: internet
Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Đối với tài liệu tham khảo, các trường không được ép buộc học sinh phải mua. Phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và không bắt buộc. Các cơ sơ sở giáo dục phổ thông phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về tài liệu tham khảo sử dụng tại trường để học sinh, phụ huynh biết và lựa chọn.
Tuy nhiên, dù trường không bắt buộc thì phụ huynh vẫn mang tâm lý “trường đã gợi ý, giáo viên khuyến khích thì không thể không trang bị cho con”. Chính áp lực vô hình này đã khiến các khoản chi đầu năm học trở thành gánh nặng đối với phụ huynh. Với những gia đình công nhân hoặc có thu nhập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc mua sắm cho con đầu năm học là gánh nặng không nhỏ.
Trước tình trạng nhập nhèm sách giáo khoa và sách tham khảo, bổ trợ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã ký công văn đề nghị các sở giáo dục thanh tra, kiểm tra nhằm tăng cường công tác quản lý và kịp thời khắc phục tồn tại trong việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo phục vụ năm học 2020-2021 theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng, đủ số lượng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trước ngày 20/9, các sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo kết quả thực hiện những việc trên./.
PV tổng hợp