Cuốn sách về Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ra mắt tại Hà Nội chiều 21/11. Sách dày 800 trang, tuyển chọn các bài viết, phát biểu, trả lời phỏng vấn, thư, điện... của Tổng bí thư về đối ngoại, ngoại giao.
Phần ba của cuốn sách là Dấu ấn đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam, gồm 52 ý kiến của các chuyên gia, nhà chính trị, ngoại giao, nghiên cứu, bạn bè quốc tế về vai trò, đóng góp của Tổng Bí thư trong việc hình thành và phát triển trường phái ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam".
VOV.VN xin trân trọng giới thiệu một số đánh giá của bạn bè quốc tế với bài viết đầu tiên của tác giả Hàn Phương Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc, Chủ tịch Học hội ngoại giao và quan hệ quốc tế CHARHAR.
Năm 2023 là năm kỷ niệm 15 năm hai nước Trung - Việt thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. 15 năm qua, đặc biệt là từ Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đến nay, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã thực hiện chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, không ngừng nâng cao địa vị và vai trò trên trường quốc tế, đã dần hình thành trường phái ngoại giao mang bản sắc "cây tre Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Dưới sự định hướng của tư tưởng này, chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc cũng đã tiến cùng thời đại, không ngừng được tối ưu hóa, tạo nên một hình mẫu về hợp tác giữa các nước trong khu vực và trong cộng đồng quốc tế.
Ngoại giao "cây tre Việt Nam" cũng đã thể hiện những đặc sắc tương ứng: gốc tre vững chắc - "dĩ bất biến" trong bảo vệ lợi ích quốc gia; "thân tre rắn chắc" - lấy phát triển để làm trụ đỡ; cành tre dẻo dai - "ứng vạn biến" - để cống hiến cho lợi ích căn bản của quốc gia. Nói một cách cụ thể là vừa kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa tích cực mở rộng trong lĩnh vực ngoại giao, bảo vệ và phát triển lợi ích quốc gia của Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn tính linh hoạt và tính nguyên tắc, nỗ lực thích ứng với thế giới không ngừng biến đổi; mặt khác, cùng với việc phát triển các quan hệ ngoại giao hiện có, thiết lập các quan hệ hợp tác mới. Đây chính là nền tảng ngoại giao để Việt Nam vẫn phát triển ổn định, lành mạnh dù đứng trước tình hình thế giới vô cùng phức tạp.
Trường phái ngoại giao mang bản sắc "cây tre Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự kế thừa và phát huy tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối ngoại giao tôn trọng độc lập, hòa bình, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thố, đồng thời chủ trương mở cửa, linh hoạt, cải thiện quan hệ quốc tế và tham gia hợp tác quốc tế trên tất cả các lĩnh vực. Đối diện với khó khăn và thách thức vẫn kiên định và giữ vững nguyên tắc; đồng thời linh hoạt, sáng tạo trong hoạch định chính sách; vừa cứng rắn, vừa uyển chuyển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã tạo được sự đồng thuận trong triển khai đường lối đối ngoại, chuyển phức tạp thành đơn giản, biến khó thành dễ, tìm được con đường phát triển giữa xung đột của các nước lớn, kết hợp nhuần nhuyễn quan hệ đa phương và song phương; thúc đẩy nền ngoại giao tổng hợp trong thời đại mới; phát triển mạnh mẽ ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, ngoại giao quân sự; tạo môi trường quốc tế tốt đẹp, ổn định và hữu nghị cho sự nghiệp đổi mới, mở cửa của Việt Nam.
Là một quốc gia theo mô hình mở cửa, Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định tự do thương mại, thu hút được lượng lớn đầu tư nước ngoài, đây là những thành quả, là sự cụ thể hóa của trường phái ngoại giao mang bản sắc "cây tre Việt Nam" trên lĩnh vực kinh tế. Trong bối cảnh thế giới có nhiều thách thức, xung đột và tranh chấp ngày càng gia tăng, Việt Nam vừa duy trì an ninh chính trị và thể chế ổn định, vừa phát triển kinh tế và xã hội phồn vinh, điều này không thể tách rời được sự lãnh đạo kiên cường của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có đường lối đối ngoại đặc sắc Việt Nam trong thời đại mới với trường phái ngoại giao mang bản sắc "cây tre Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Giá trị cốt lõi của phương châm ngoại giao kinh tế của Việt Nam chính là kiên trì tư tưởng lấy nhân dân Việt Nam làm trung tâm, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ công, tập trung trao đối nhiều nội dung thúc đẩy hợp tác kinh tế trong tiếp xúc đối ngoại cấp cao; nắm bắt chính xác thời cơ, tận dụng các cơ chế song phương, đa phương để mở rộng và làm sâu sắc các quan hệ hợp tác kinh tế đối ngoại, thu hút nhiều nguồn lực từ bên ngoài để phát triển bền vững, lành mạnh nền kinh tế Việt Nam.
Lịch sử giao lưu hai nước Trung - Việt đã có hàng nghìn năm, không chỉ có quan hệ tốt đẹp giữa hai đất nước, mà còn có quan hệ hữu nghị giữa hai Đảng. Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, tương lai quan hệ hai nước Trung - Việt nhất định sẽ không ngừng phát triển, thúc đẩy mỗi nước giành được thành công nhiều hơn nữa, tốt hơn nữa, thực hiện hợp tác hai nước ở chất lượng và trình độ cao hơn.
VOV.VN