Giải ngân mới đạt 47,38% kế hoạch
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến ngày 30-9, số vốn đầu tư công đã giải ngân là 218.550,92 tỷ đồng, đạt 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (đạt 56,33%). Trong đó, có 4 bộ và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 60%. 36 bộ, ngành và 20 địa phương giải ngân dưới 40% kế hoạch giao, 3 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn. Đáng lưu ý, còn 34 bộ, cơ quan trung ương và 37 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương.
Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, theo Bộ Tài chính, là do dịch Covid-19 bùng phát, các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án. Còn theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, giá nguyên liệu đầu vào gia tăng, một số vật liệu thiếu hụt ảnh hưởng đến phương án tài chính của hợp đồng đã ký. Nguyên nhân nữa là do sự chậm trễ trong giải phóng mặt bằng; việc lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giải ngân; thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm; sự phối hợp giữa các cơ quan thiếu chặt chẽ...
Dù còn nhiều nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải ngân vốn đầu tư công, song vẫn có bộ, ngành, địa phương giải ngân tốt. Điển hình, đến hết quý III-2021, Bộ Giao thông - Vận tải đã giải ngân được 26.464 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 61% kế hoạch.
Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông - Vận tải) Nguyễn Danh Huy, để đạt kết quả trên, Bộ đã thành lập tổ công tác đặc biệt về giải ngân vốn đầu tư công do đồng chí Bộ trưởng làm tổ trưởng để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, xử lý các điểm nghẽn trong triển khai các dự án đầu tư. Cùng với đó, các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với nhà thầu, chính quyền địa phương nỗ lực tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thiếu hụt vật liệu, nhân công… nhằm bảo đảm tiến độ kế hoạch.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Từ nay đến hết năm 2021, còn tới hơn 50% nguồn vốn đầu tư công phải giải ngân. Đây là thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương.
Để đạt được tốc độ giải ngân như trên, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu bộ, ngành và chủ đầu tư trong thực hiện dự án đầu tư công. Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), phải tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 linh hoạt, tạo điều kiện cho chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất 5 nhóm giải pháp. Trước tiên, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn trong triển khai các dự án. Trong khi đó, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị hoàn thành sớm các công trình triển khai tại nơi ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh; chủ động rà soát các dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 60% để điều chỉnh vốn cho các dự án có khả năng giải ngân hết trong năm nay. Cùng với đó, các đơn vị phải phân bổ ngay kế hoạch vốn năm 2021 cho các dự án đã khởi công, đủ điều kiện để sớm giải ngân.
Tại Hà Nội, các tổ công tác của thành phố định kỳ giao ban xây dựng cơ bản hằng tháng để đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện dự án và giải ngân vốn. Cùng với đó, các chủ đầu tư đang tiếp tục đánh giá tình hình triển khai dự án từ nay đến cuối năm để điều chỉnh kế hoạch vốn. UBND thành phố yêu cầu mỗi chủ đầu tư chủ động giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn để đạt được kết quả như đã cam kết với UBND thành phố (giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao) và chuẩn bị dự án khởi công trong năm 2022.
Tại Thông báo số 262/TB-VPCP ngày 5-10-2021 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự án; cụ thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân. Cùng với đó, đề cao kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn...; rà soát kỹ ngay khâu chuẩn bị dự án, lựa chọn dự án giao vốn, thiết kế, đấu thầu, thi công đối với từng dự án.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ vướng mắc phát sinh, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng thi công; tạo thuận lợi cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu, không để xảy ra ách tắc nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh…
Theo Hanoimoi.com.vn