Văn hoá công vụ là một khái niệm được cấu thành từ hai khái niệm “văn hoá” và “công vụ”. Nhưng văn hoá công vụ không phải là sự cộng gộp giản đơn hai lĩnh vực này, mà đó là văn hóa ở trong công vụ hay công vụ có tính văn hoá. Nó là sự thẩm thấu, tổng hòa của văn hoá vào công vụ, là công vụ có tính văn hoá. Văn hoá công vụ chính là tinh thần nhân văn trong xử lý các quan hệ giữa cơ quan công quyền với tổ chức, công dân nhằm mục tiêu thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ xã hội vì mục tiêu phục vụ nhân dân. Văn hóa công vụ là văn hóa đặc thù của một tổ chức được xây dựng trên nền tảng các giá trị, chuẩn mực của cơ quan công quyền; được đội ngũ công chức tôn trọng, chia sẻ, thực hành, xác lập niềm tin, đạo đức, nếp sống, truyền thống và bản sắc của nền công vụ; giúp nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực thực thi công vụ và đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Một trong những giá trị cốt lõi của văn hóa công vụ là tính trung thực và khách quan của nền công vụ, thể hiện trong các quy định, cách thực thi công vụ và trong kết quả thực hiện công vụ.
Giá trị phục vụ là một trong các giá trị cơ bản cốt lõi của văn hóa công vụ. Mục tiêu cao nhất của nền hành chính hiện đại là phục vụ tốt nhất cho cuộc sống của người dân, bảo đảm mọi điều kiện để người dân thực hiện các hoạt động tạo ra của cải vật chất cũng như các hoạt động hữu ích khác cho sự phát triển của xã hội. Bảo đảm yêu cầu phục vụ là bảo đảm cho mối quan hệ thực chất giữa chính quyền với nhân dân, hạn chế quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, mang đến sự tin cậy, hài lòng của người dân. Tính phục vụ không chỉ thể hiện ở cách thức phục vụ, quy trình tổ chức thực hiện công việc của các cơ quan nhà nước mà còn thể hiện ở cách thức làm việc, cách phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ; có thái độ lịch sự, tôn trọng đồng nghiệp; ngôn ngữ giao tiếp chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc; phải lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp; công bằng, vô tư, khách quan khi nhận xét, đánh giá; thực hiện dân chủ và đoàn kết nội bộ; gần gũi với nhân dân; có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn; không được hách dịch, cửa quyền, không gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân khi thi hành công vụ.
Trong những năm tới, xây dựng và nâng cao văn hóa công vụ là một nhiệm vụ vô cùng cấp thiết. Thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần xây dựng một đội ngũ cán bộ công chức vừa hồng vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, đồng thời, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam liêm chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và quán triệt nội dung về việc thực hiện văn hóa công sở đến mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đưa việc thực hiện văn hóa công sở trở thành một trong những tiêu chí thi đua gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại cơ quan, đơn vị. Gắn kết thực hiện văn hóa công sở với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Kết luận số 21 Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị khóa XII, về “Đẩy mạnh việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, “sửa đổi lối làm việc” trong cải cách bộ máy hành chính nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ cho cán bộ, công chức, viên chức về tinh thần, thái độ làm việc, các chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, đạo đức, lối sống, nhằm tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm, chuyên nghiệp.
Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước theo hướng xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ Nhân dân, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hoàn thiện thể chế hành chính dân chủ, giảm mạnh, bãi bỏ những thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Nghiên cứu, sửa đổi các quy định, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, tổ chức nhằm tạo cơ sở pháp lý ngăn ngừa một cách bài bản những vi phạm về văn hóa công vụ. Tham mưu, đề xuất sáng kiến, nỗ lực cải cách hành chính, xây dựng tác phong, lề lối công tác, rèn luyện đạo đức công vụ, góp phần xây dựng một nền hành chính phục vụ, xây dựng Chính phủ kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả, xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tinh giảm biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức theo vị trí việc làm, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ trong hoạt động cơ quan, tạo sự đoàn kết, thống nhất, phát huy cao độ nguồn lực, sức mạnh của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đổi mới công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ ở các cấp phải bám sát mục tiêu tổng quát mà Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã đề ra. Đó là xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng, cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Cần quan tâm và thực hiện một cách chặt chẽ từ khâu tuyển dụng, sử dụng, bố trí, sắp xếp, đánh giá, quy hoạch đào tạo, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cho đến các chính sách liên quan khi cán bộ, công chức đủ điều kiện nghỉ hưởng chế độ chính sách…
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kĩ năng nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức; đề cao đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công vụ, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, tâm huyết, trách nhiệm, luôn gần dân, biết lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tôn trọng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chồng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để “không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng”. Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, không bảo đảm đủ các tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, suy thoái về đạo đức vào đội ngũ cán bộ đương chức và cán bộ quy hoạch cấp chiến lược. Xử lý nghiêm, đồng bộ giữa kỷ luật đảng với kỷ luật của Nhà nước và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ vi phạm, những cán bộ có động cơ sai trái, tư tưởng cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, gây mất đoàn kết nội bộ, kể cả khi đã chuyển công tác.
Xây dựng văn hóa công vụ là giải pháp quan trọng góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, có trách nhiệm với nhân dân và xã hội./.
P.V