TP Hồ Chí Minh sẽ nới lỏng giãn cách nếu kiểm soát được dịch sau ngày 15/9
Trong cuộc tọa đàm trực tuyến mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh - ông Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đang cố gắng để khống chế dịch trước ngày 15/9.
Song song đó, phương án để từng bước đưa nền kinh tế hoạt động trở lại cũng đang được chính quyền và các tổ tư vấn nghiên cứu để sớm áp dụng, với phương châm "an toàn đến đâu, mở lại hoạt động đến đó".
Cụ thể, nếu sau ngày 15/9 tình hình dịch được kiểm soát sẽ có lộ trình nới lỏng giãn cách. Một số các hoạt động, ngành nghề, địa bàn đáp ứng an toàn sẽ được mở cửa từng bước trở lại.
Ví dụ như thương mại điện tử, vận tải logistics, sản xuất lương thực - thực phẩm, xăng dầu, gas, công trường xây dựng… Ngoài ra, thành phố cũng đang xây dựng chương trình hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và người lao động, sẽ sớm được công bố trước ngày 15/9.
Phương châm của TP Hồ Chí Minh là "an toàn đến đâu, mở lại hoạt động đến đó". (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Doanh nghiệp chưa có phương án cụ thể sau ngày 15/9
Theo công bố của IHS Markit, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 8 bị thu hẹp mạnh nhất trong hơn 1 năm qua, khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm xuống chỉ còn 40,2 điểm. Do đó, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận cần cấp bách đưa ra các phương án để doanh nghiệp từng bước hoạt động trở lại. Tuy nhiên, cho đến nay, các doanh nghiệp vẫn chưa có những kế hoạch cụ thể nào sau ngày 15/9.
Hoạt động, tạm đóng cửa, rồi lại hoạt động… 2 tháng qua, công ty may mặc Dony vẫn phải loay hoay để cầm cự. Dù hoạt động chỉ với 15% nhân công, nhưng doanh nghiệp vẫn vướng nhiều trở ngại khi chi phí sản xuất đội lên 30%, khâu vận chuyển hàng hoá gặp khó khăn do không xin được giấy đi đường. Do đó, "3 tại chỗ" chỉ là giải pháp tình thế để giải quyết các đơn hàng tồn đọng.
Ông Phạm Quang Anh - Tổng giám đốc Công ty may mặc Dony cho biết: "Những đơn hàng đã và đang làm buộc lòng phải cố gắng hoàn thành với mô hình "3 tại chỗ" để giao hàng nếu không trễ hợp đồng sẽ mất uy tín với khách hàng. Nếu như "3 tại chỗ" kéo dài, sau khi hoàn tất đơn hàng đã ký hợp đồng khả năng doanh nghiệp đóng cửa và nghỉ".
Chuẩn bị cho kế hoạch trở lại sản xuất, công ty Tân Quang Minh (Bidrico) đã phải cải tiến mô hình "3 tại chỗ", phân chia khu vực sản xuất và giao nhận thành hai phân khu riêng biệt để giảm nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, điều doanh nghiệp lo lắng nhất là đứt gãy chuỗi cung ứng về nguyên phụ liệu trong ngành đồ uống.
"Các chuỗi cung ứng bị đứt gãy thực sự đã gây khó khăn rất nhiều, chỉ có một loại nguyên vật liệu chúng tôi phải tìm đến nhà cung ứng thứ 4 mới có nguyên liệu để sản xuất. Điều đó có nghĩa rằng khi sản xuất trở lại bình thường sẽ cần rất nhiều các mặt hàng khác nhau, nguyên vật liệu khác nhau từ nhiều nhà cung ứng mới có thể đáp ứng được", ông Nguyễn Đăng Hiến - Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh (Bidrico) cho hay.
Một trong những điều kiện quan trọng để doanh nghiệp hồi phục là vay vốn. Ảnh minh họa - Dân trí.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, quý IV là cơ hội để doanh nghiệp có thể phục hồi khi nhu cầu hàng hoá trên thị trường tăng cao. Một trong những điều kiện quan trọng để doanh nghiệp hồi phục là vay vốn. Do đó, ngân hàng có thể khoanh nợ cũ và "bơm" vốn kịp thời. Đồng thời, cắt giảm các chi phí cố định cũng là cách tiếp sức cho doanh nghiệp.
Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) cho hay: "Tôi lấy ví dụ như phí đường bộ, phí cảng biển, hạ tầng… những loại phí Nhà nước đang thu phí thì xin giảm. Hay là dành cho doanh nghiệp hỗ trợ về dòng tiền bằng cách tạm hoãn nộp thuế, ân hạn thuế hải quan. Khi xuất khẩu xong hoàn thuế thì thủ tục hoàn thuế rất chậm, việc hoàn thuế phải cho thật nhanh để doanh nghiệp lấy tiền về sản xuất".
Ngoài ra, vấn đề tiêm vaccine cho người lao động cần phải được đẩy mạnh, đảm bảo an toàn khi doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Theo HUBA, hiện có khoảng 84% doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành tiêm mũi 1, số còn lại đang cố gắng tiếp cận nguồn vaccine và sớm có kế hoạch tiêm mũi thứ 2.
Kiến nghị giải pháp từng bước đưa doanh nghiệp sản xuất trở lại sau mốc 15/9
Với mốc ngày 15/9, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, nếu như TP Hồ Chí Minh vẫn không kiểm soát được dịch theo một tiêu chí đặt ra, nền kinh tế có vẫn phải đóng cửa hay không? Hay thay vào đó cần một lộ trình chi tiết từng bước mở cửa dần hoạt động sản xuất doanh nghiệp, dựa trên 2 yếu tố then chốt, đó là "tỉ lệ tiêm vaccine" và "khôi phục chuỗi cung ứng".
Theo tính toán, vào ngày 15/9 TP Hồ Chí Minh có thể đạt tỉ lệ 34% được tiêm vaccine mũi 2. Đây là mức không theo kỳ vọng. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, thành phố nên xem xét nới lỏng dần ở những nhóm ngành, lĩnh vực đã đạt được tỉ lệ tiêm mũi 2 cao.
Ngoài ra, nếu như TP Hồ Chí Minh muốn mở lại hoạt động của nhóm ngành, lĩnh vực nào quan trọng phải có kế hoạch tăng cường tiêm mũi 2 cho khu vực đó trước.
"Ngay từ bây giờ, chúng ta phải lên một phương án tiêm vaccine mũi 2 cho các nhóm đối tượng để đạt được tỉ lệ cao và khi đạt được tỉ lệ đó có thể xem xét nới lỏng dần các biện pháp về phong toả giãn cách, giới hạn các hoạt động kinh tế đi lại. Chúng ta không thể chờ, người đủ mũi 2 rồi vẫn phải chờ người khác chưa đủ mũi 2 sẽ chậm trễ cơ hội cho nền kinh tế", ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Chuyên gia Kinh tế cho hay.
Các chuyên gia lo ngại, nếu không gỡ bỏ dần việc giãn cách vào mốc 15/9, một lượng lớn đơn hàng từ khối FDI sẽ bị chuyển đi nước khác. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Theo ghi nhận từ phía cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khối FDI, mốc ngày 15/9 tới đây khá quan trọng khi họ dựa vào đó để đưa ra kế hoạch sản xuất kinh doanh, ký kết đơn hàng với đối tác. Do đó, theo các chuyên gia, Việt Nam phải có kế hoạch cho một số doanh nghiệp có thể khôi phục sản xuất khi họ có phương án hoạt động tương ứng tỉ lệ tiêm vaccine.
"Bởi chính doanh nghiệp là người hiểu rõ nhất với bao nhiêu người đã tiêm vaccine họ có thể sản xuất được và họ sẽ muốn khôi phục sản xuất nhanh nhất có thể. Họ có thể không đạt được 50-100% công suất nhưng ít ra phải sản xuất được đơn hàng và phải giao được hàng", TS. Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên Đại học Bristol, Anh Quốc cho biết.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cho rằng, nếu chỉ mở một số doanh nghiệp lớn mà doanh nghiệp nhỏ đóng cửa chuỗi cung ứng bị đứt. Do vậy, kế hoạch mở cửa là cần được tính toán cụ thể để chuỗi cung ứng nguyên liệu và vận tải hàng hoá được thông suốt trong nội bộ và giữa các địa phương với nhau kế hoạch mới hiệu quả và thực chất.
Ngoài ra, rút kinh nghiệm từ các nước, một vấn đề về tư duy các địa phương cần phải thay đổi đó là nếu ai bệnh người đó nghỉ, những người được xét nghiệm âm tính vẫn được tiếp tục làm việc.
TS. Hồ Quốc Tuấn nói: "Xác định khi mở lại sản xuất việc số ca bệnh tăng là chuyện đương nhiên sẽ xảy ra và xem đó là việc thiếu may mắn hơn là vấn đề về trách nhiệm. Vì nếu chúng ta tập trung vào việc quy trách nhiệm, nhiều doanh nghiệp họ sẽ thấy gánh nặng quá lớn thì họ thà đóng cửa, phá sản chứ không làm".
Các chuyên gia cũng lo ngại, nếu không gỡ bỏ dần việc giãn cách vào mốc 15/9, một lượng lớn đơn hàng từ khối FDI sẽ bị chuyển đi nước khác do họ không thể chờ, chưa kể các nguồn lực mà khối doanh nghiệp này dự tính tăng đầu tư tại Việt Nam cũng có nguy cơ sẽ bị chuyển đi.
Ở thời điểm hiện nay, theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn đang là điểm sáng so với các nước trong khu vực. Điều quan trọng lúc này là phải nhanh chóng có phương án để Việt Nam vẫn được ở lại trong chuỗi cung ứng toàn cầu bằng các giải pháp khôi phục lại sản xuất hiệu quả.
Nguồn VTV