Đây cũng là mô hình được người dân đồng tình và mong muốn nhân rộng, để có thêm nhiều hơn khu, cụm dân cư an toàn trước diễn biến phức tạp của dịch.
Hà Nội đã trải qua nhiều đợt dịch, mỗi thời điểm lại có những phương án, kịch bản phòng dịch khác nhau, mỗi thời điểm lại có những mô hình, cách làm thực tiễn được triển khai. Với đợt dịch này, tại nhiều địa phương cũng như Hà Nội, việc thiết lập các chốt bảo vệ vùng không có dịch hay còn gọi là “vùng xanh” được coi là một phương thức “phòng thủ” rất tốt, bên cạnh các giải pháp “tấn công” đang được triển khai.
Ảnh minh họa: Kinh tế và Đô thị
Quận Hoàng Mai là một trong những địa bàn đầu tiên của TP “khởi động” thiết lập các “vùng xanh” này. Từ gần 50 “vùng xanh” đầu tiên tại 2 phường Mai Động và Đại Kim, đến hết ngày 4/8, đã có gần 400 tổ dân phố thuộc 14 phường đều thiết lập được các “vùng xanh” để hạn chế tối đa dịch từ bên ngoài lây lan vào khu, cụm dân cư hay tòa nhà.
Tại các "vùng xanh" này, tất cả người lạ ra vào đều phải khai báo y tế, thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, người vận chuyển hàng hóa đến chỉ được giao tại bàn chốt trực; các lối ra vào được kiểm soát chặt chẽ. Tại đây, tổ Covid-19 cộng đồng cùng với người dân trực chốt, giữ gìn, cùng phấn đấu không để xảy ra dịch bệnh. Hầu hết người đều đồng lòng, vui vẻ, tự nguyện thực hiện các nội quy, nhằm bảo vệ “vùng xanh” của khu dân cư mình sinh sống.
Trong khi đó một số địa bàn khác, cũng đã thành lập các khu dân cư an toàn phòng dịch từ ngõ xóm trở đi. Đồng thời, tận dụng tối đa các ngày giãn cách xã hội để thần tốc truy vết, bóc tách các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng; cách ly triệt để các trường hợp Fl, F2, F3; dập tắt nhanh nhất các ổ dịch mới, cố gắng không để lây lan rộng ra cộng đồng. Đúng với tinh thần “thần tốc”, mỗi khi trên địa bàn xuất hiện các ca bệnh, những điểm nóng, lãnh đạo chính quyền các cấp, ngành chức năng lập tức vào cuộc, truy vết khẩn trương, kiên quyết để cách ly triệt để các trường hợp liên quan. Tại không ít địa bàn, những chiếc barie dựng tạm, một chiếc ô, chiếc bạt đơn sơ và những người “bám chốt” chính là công dân của địa bàn... Từ đó, mỗi thôn, xóm, tổ dân phố đều đã trở thành một “pháo đài” ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại chợ Long Biên (quận Ba Đình). Ảnh: Kinh tế và Đô thị
Như lãnh đạo TP Hà Nội đã nhận định, việc nhanh chóng triển khai, tổ chức phổ biến và thiết lập các “vùng xanh” ở địa bàn dân cư là cần thiết; càng nhiều “vùng xanh” đồng nghĩa với phạm vi an toàn càng cao. Khi đó, tổ Covid-19 cộng đồng sẽ làm nòng cốt, trên cơ sở đó tập hợp, huy động người dân tham gia lập chốt, bố trí trực bảo vệ 24/24h; tuyên truyền, vận động để mỗi người dân thực sự là một “chiến sĩ”, mỗi gia đình là một “pháo đài” chống dịch…
Từ đó, kiểm soát chặt chẽ, giám sát việc đi lại của người dân ngay từ gia đình, ngõ, phố, thôn, xóm, khu chung cư, tòa nhà, cơ quan, đơn vị. Đây chính là giải pháp có ý nghĩa phòng thủ rất quan trọng. Tuy nhiên, để có thể bền lâu và phát huy hiệu quả hơn nữa, tránh mỗi nơi, mỗi kiểu, việc hướng dẫn cụ thể về tiêu chí xác định “vùng xanh”, cách thức tổ chức cho người dân tự quản lý cũng rất cần thiết.
Đồng thời, khi xuất hiện ổ dịch mới, việc triển khai các biện pháp truy vết, xét nghiệm, cách ly để khoanh vùng thật chặt, thật nghiêm. Việc làm sạch các ổ dịch, từng bước đưa các vùng nguy cơ cao, rất cao về mức thấp hơn, dần an toàn trở lại, nhằm tiếp tục thiết lập các “vùng xanh” mục tiêu TP đặt ra và cũng là mong muốn của người dân lúc này./.
Theo Kinh tế và Đô thị