Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hoạt động sản xuất và xuất khẩu đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, năng lực sản xuất của các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt chậm cải thiện; sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi cung ứng toàn cầu còn hạn chế. Xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI. Việc đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm và việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm…
Trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại đáng kể (dự báo năm 2023 chỉ tăng khoảng 1,7%) do lạm phát còn diễn biến phức tạp, lãi suất tăng cao; tác động của xung đội Nga - Ukraine khiến đầu tư giảm và làm gián đoạn các nguồn cung nguyên liệu, suy giảm niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn cầu, tạo thêm khó khăn cho hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu…
“Ở trong nước, sức mua mặc dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng. Sản xuất và xuất khẩu vẫn đang gặp khó khăn do đơn hàng mới giảm, chi phí sản xuất cao do giá nguyên, nhiên liệu và chi phí logistic tăng cao; doanh nghiệp trong nước tiếp cận vốn còn khó khăn, lãi suất tăng cao... do vậy, thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu vẫn là chìa khóa để duy trì tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế…”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, tập trung vào việc nắm chắc tình hình quốc tế và trong nước để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, khai thác có hiệu quả các hình thức thương mại, đa dạng hoá thị trường, duy trì tốt các chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất khẩu…
Để đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Công Thương nhấn mạnh tới vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, tiếp tục tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thông tin, dự báo; thường xuyên cập nhật và cung cấp rộng rãi thông tin thị trường, tiêu chuẩn điều kiện nhập khẩu và chính sách đối với từng mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tiềm năng để hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tiếp cận với từng thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai hoạt động xúc tiến thương mại ngay từ đầu năm, chủ động chuẩn bị thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm đặc biệt nông sản có tính mùa vụ tránh tình trạng ùn ứ, được mùa mất giá nông sản khi đến vụ…
“Đối với thị trường Trung Quốc, nhằm tranh thủ các cơ hội khi Trung Quốc đã mở cửa trở lại để đẩy mạnh khai thác thị trường cho các mặt hàng có thế mạnh như nông sản, thủy sản, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các nhà xuất khẩu hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu chính ngạnh Trung Quốc để tận dụng các cơ hội xuất khẩu hiệu quả sang thị trường Trung Quốc”, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thông tin.
Xác định EU tiếp tục là thị trường lớn, quan trọng của Việt Nam, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, sẽ tiếp tục chú trọng công tác triển khai thực hiện các Hiệp định thương mại tự do nói chung, nhất là các FTA thế hệ mới như: Hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) để đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng, giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường/ngành hàng truyền thống...
Đẩy mạnh sức mua trong nước, thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa. Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn; kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại nhằm khai thác hiệu quả thị trường 100 triệu dân trong nước còn nhiều tiềm năng; đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung về điện, xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.
“Rất mong Bộ Tài chính quan tâm bố trí đủ kinh phí để thực hiện các chương trình, đề án về phát triển thị trường trong nước, như: Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo giai đoạn 2021-2025 và Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030…”, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước kiến nghị.
Đánh giá cao công tác phối hợp của Bộ Công Thương trong việc đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm của ngành nông nghiệp ở các thị trường xuất khẩu cũng như trong nước, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đề xuất: “Đối với thị trường trong nước, chúng tôi - trên cơ sở vừa qua đã ký Liên tịch về an toàn thực phẩm với các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và Cần Thơ với các tỉnh lân cận sẽ mở các hội nghị xúc tiến thương mại để chúng ta có trọng tâm, trọng điểm. Rất mong các địa phương đẩy mạnh tiêu thụ trong nước theo hình thức vừa đảm bảo về hàng hóa nhưng cũng vừa đảm bảo an toàn thực phẩm…”
Bên cạnh đó, ngành Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng trong nước, phù hợp với các cam kết quốc tế…/.
Nguyên Long/VOV1