Chi phí không chính thức hay còn gọi là tham nhũng vặt có ở tất cả các nhóm, các công đoạn khi thực hiện các thủ tục hành chính và ở nhiều địa phương. Những chi phí này không chỉ làm gia tăng chi phí tuân thủ mà còn khiến người dân, doanh nghiệp mất niềm tin vào các cơ quan hành chính Nhà nước.
Hành trình đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khiến ông Nguyễn Văn Dũng ở quận Cầu Giấy, Hà Nội rất vất vả bởi phải chạy tới, chạy lui liên tục sửa chữa, bổ sung hồ sơ. Ông cho biết, việc này dường như đã thành phong lệ.
Khó dễ khi làm thủ tục đất đai cũng là tình cảnh của ông Lê Hữu Nghĩa – chủ một doanh nghiệp ở TPHCM. Ông cho biết, 3 năm mới có được 1 dự án mà cuối cùng doanh nghiệp đang phải gánh một chi phí lớn. Câu chuyện của 2 người ở 2 nơi khác nhau đã phản ánh chung một thực trạng đó là phải “lót tay” cho một số lĩnh vực khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Con số công bố mới đây cho thấy, hiện có tới hơn 32% người dân phải trả thêm chi phí ngoài quy định mới làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và gần 45% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức là một minh chứng. Và nó cũng phản ánh một thực trạng là một số thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp khiến người dân phải “lót tay”, “bôi trơn”, hoặc tìm đến môi giới trung gian để có thể hoàn tất các thủ tục hành chính một cách nhanh nhất.
Rất nhiều người khi hỏi về chi phí không chính thức đều cho rằng, đó là khoản mà ai cũng phải mất để dễ dàng trong công việc. Chị Nguyễn Thị Oanh (ở Phú Thọ) cho biết: “Không làm thì không yên tâm. Đến khi ra phường xin 1 cái dấu thôi cũng phải “phong bì”.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Đào – Giảng viên cao cấp Học viện Hành chính quốc gia, tham nhũng vặt là “tệ nạn” xảy ra ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội liên quan đến quản lý Nhà nước và liên quan đến cung cấp dịch vụ công, từ những thủ tục hành chính đơn giản như khai sinh, khai tử đến thủ tục xin cho con đi học ở trường, đến thủ tục khám chữa bệnh... gây bức xúc cho người dân, làm xói mòn niềm tin.
Các loại chi phí bôi trơn là những chi phí không tên, không chứng từ và không có bằng chứng nào. Nhưng sự thật, nó lại hiện diện như một quy định bắt buộc, buộc mọi người phải chấp nhận.
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc công ty luật ANVI cho biết, bản thân ông trước đây cũng phải mất nhiều tiền để làm sổ đỏ, nếu không sẽ bị “ngâm” vài năm. Mặc dù công cuộc phòng, chống tham nhũng, cải cách thủ tục hành chính đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, nhưng mặt khác cũng cần phải cố gắng bởi còn nhiều rào cản, nhũng nhiễu gây khó cho người dân, doanh nghiệp.
Theo luật sư Trương Thanh Tước, nạn tham nhũng vặt sẽ gây ra phiền hà, rắc rối, phức tạp, gây tốn kém, gây khó chịu cũng như cản trở sự đầu tư kinh doanh và các hoạt động bình thường khác. Đối với cán bộ công chức, nạn tham nhũng vặt làm cho họ trở nên hèn kém đi, làm cho cán bộ chỉ muốn vì lợi ích, gây khó dễ cho doanh nghiệp và người dân chứ không thực sự giải quyết công việc theo đúng quy định. Nguy hiểm hơn, vấn nạn này làm xói mòn lòng tin của người dân đối với đội ngũ cán bộ công chức.
Tham nhũng vặt hoành hành cũng là một phần do quy định pháp luật trong nhiều lĩnh vực chưa rõ ràng, đầy đủ. Cán bộ công chức có ý định vòi vĩnh sẽ lợi dụng khoảng trống của pháp luật để vận dụng cho những ai “chịu khó lót tay”.
Theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, để hạn chế tình trạng nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp, cần minh bạch hóa hệ thống pháp luật, xóa bỏ sự chồng chéo giữa các luật.
“Phải đơn giản hóa thủ tục hành chính và xóa bỏ cơ chế xin – cho. Chừng nào còn cơ chế xin – cho thì còn dư địa cho tham nhũng vặt. Thực hiện điện tử hóa phương thức giao dịch hành chính giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan công quyền, đây là phương thức rất quan trọng để ngăn ngừa và đẩy lùi tham nhũng và tham nhũng vặt. Đề nghị đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, bởi hiện nay trong dịch vụ công cũng có tham nhũng và tham nhũng vặt, các cơ quan nhà nước thực hiện thì dễ phát sinh, còn nếu xã hội hóa để doanh nghiệp và người dân làm thì sẽ không có tham nhũng” - ông Vũ Tiến Lộc nói.
Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, cơ chế xin – cho và dịch vụ công rất dễ gây ra nguy cơ tham nhũng vặt. Điều nguy hiểm, vấn nạn này đã lan tràn thì sẽ không dừng lại ở dịch vụ công mà nhiều dịch vụ tư cũng có hiện tượng tham nhũng vặt. Để hạn chế tham nhũng, trước hết cần bỏ bớt, hạn chế cơ chế xin – cho, bỏ những quy định mập mờ, không rõ ràng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tin học trong giao dịch hành chính, vừa bớt chi phí, vừa giảm việc gây khó dễ.
“Mục tiêu đặt ra là chính sách pháp luật làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp thì tự lúc đó, các cơ quan Nhà nước sẽ coi khách hàng là thượng đế, là cơ quan dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp chứ không phải là cơ quan quản lý. Nếu không thay đổi được cái gốc thì các giải pháp kia khi thực hiện sẽ không căn cơ, triệt để” – luật sư cho biết.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, để giải quyết căn bệnh trầm kha này phụ thuộc vào quan điểm của Trung ương, cơ quan lập pháp, của quản lý xã hội, từ đó thiết kế ra hệ thống cơ quan dịch vụ, hệ thống pháp luật để vận hành những dịch vụ, thủ tục, dự án làm sao vì mục tiêu cao nhất là nhanh chóng, thuận lợi, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Quan trọng là phải đảm bảo được thu nhập cũng như mức sống tối thiểu của công chức. Bên cạnh đó, mỗi người dân cũng cần phải có trách nhiệm đóng góp với xã hội. Nếu người dân đồng tình, thỏa hiệp với vi phạm thì cũng chính người dân vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm. Do đó, mỗi người giảm bớt việc lót tay, bôi trơn thì tình trạng này sẽ giảm một cách nhanh chóng, cán bộ công chức cũng không có khả năng nhũng nhiễu, đòi hỏi./.
PV/VOV1