Chậm…
Báo cáo tình hình triển khai giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, đến ngày 15/01/2022 đã nhận đủ báo cáo của Chính phủ và các bộ. Tuy nhiên, tiến độ gửi báo cáo của các địa phương vẫn còn chậm, có báo cáo gửi đến Đoàn giám sát được ký ban hành không đúng thẩm quyền; một số báo cáo còn thiếu nội dung, không đúng theo yêu cầu tại Đề cương.
Hệ thống pháp luật về công tác quy hoạch sau khi Luật Quy hoạch được ban hành được đánh giá là được ban hành đầy đủ, trong đó có sửa đổi, bổ sung 66 luật và 7 pháp lệnh. Song Nghị định hướng dẫn chi tiết ban hành chậm 14 tháng, có một số văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, tạo thêm thủ tục trình tự không cần thiết trong quá trình lập quy hoạch tỉnh…
Đến thời điểm hiện nay, trong các quy hoạch cấp quốc gia (bao gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia) mới có quy hoạch sử dụng đất quốc gia và 4/38 quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt. Hiện cũng chưa có quy hoạch vùng nào được phê duyệt.
62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành lập, trình thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh, còn lại TP.HCM trình nhiệm vụ lập quy hoạch để thẩm định trong tháng 2/2022.
Đối với quy hoạch tỉnh, đến ngày 11/1/2022, có 2 quy hoạch tỉnh (Bắc Giang, Hà Tĩnh) đã được thẩm định và đang hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; 3 quy hoạch tỉnh đã lập xong, trình thẩm định; 7 quy hoạch tỉnh đã gửi xin ý kiến và đang hoàn thiện để trình thẩm định. Dự kiến đến hết quý I năm 2022 sẽ có thêm nhiều quy hoạch tỉnh được lập xong và gửi xin ý kiến, trình thẩm định. Như vậy, tất cả 63 địa phương đều chậm so với yêu cầu tại Nghị quyết 11/NQ-CP (2 năm).
Còn về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thì Đoàn giám sát cho biết, báo cáo nhận được chưa rõ nội dung theo yêu cầu đề cương giám sát nên Đoàn đã có văn bản yêu cầu bổ sung.
“Tư duy chậm đổi mới”
Báo cáo giám sát thẳng thắn chỉ rõ, đến thời điểm hiện tại, qua tổng hợp, rà soát báo cáo của các Bộ và địa phương, những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai lập, thẩm định, quyết định/phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh chủ yếu do những bất cập liên quan đến nội dung các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản chỉ đạo, điều hành và các quy định pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, 6 tồn tại, hạn chế khác cũng được nêu rõ: Thứ nhất, một số quy định pháp luật liên quan đến chi phí cho hoạt động quy hoạch được ban hành còn chậm. Thứ hai, các quy định về đấu thầu lựa chọn tư vấn lập quy hoạch được ban hành trước khi Luật Quy hoạch và Luật Đầu tư công có hiệu lực, do vậy chưa có sự đồng bộ giữa quy định của pháp luật đấu thầu, pháp luật về đầu tư công và pháp luật về quy hoạch.
Thứ ba, một số quy định hướng dẫn thi hành hoặc văn bản chỉ đạo của một số Bộ về nội dung và trình tự, thủ tục lập quy hoạch chưa đồng bộ, thống nhất với tinh thần đổi mới của Luật Quy hoạch và không phù hợp với nguyên tắc sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh có quy định liên quan đến quy hoạch đã được Quốc hội khóa XIV thông qua.
Thứ tư, việc lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh tuy đã được đẩy nhanh tiến độ trong thời gian gần đây, nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu tại Nghị quyết số 11/NQ-CP. Đặc biệt, thời gian thẩm định, phê duyệt các nhiệm vụ lập quy hoạch, quy hoạch kéo dài. Việc quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng được lập chậm đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ lập quy hoạch cấp tỉnh.
Thứ năm, quy hoạch được lập theo phương pháp mới, quy hoạch các cấp được lập đồng thời theo Nghị quyết số 751/2021/UBTVQH14 có nội dung đa ngành, đặc biệt là việc lập quy hoạch cấp dưới khi quy hoạch cấp trên chưa được phê duyệt, nên việc phối hợp giữa các cơ quan và giữa các cơ quan với đơn vị tư vấn lập quy hoạch còn có nhiều khó khăn, bất cập. Đặc biệt, việc phối hợp và chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp giữa các Bộ, ngành và địa phương còn nhiều hạn chế dẫn đến khó khăn cho tiếp cận thông tin quy hoạch.
Và thứ sáu, một số quy hoạch lần đầu được lập nên gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn tư vấn lập quy hoạch. Một số quy hoạch trước đây được lập thành những quy hoạch riêng rẽ nhưng đến nay theo quy định của Luật Quy hoạch lại được lập chung trong một quy hoạch duy nhất nên cơ quan tổ chức lập quy hoạch còn thiếu kinh nghiệm.
Theo Đoàn giám sát, bên cạnh nguyên nhân chủ quan như nhiều quy định mới, nhiệm vụ phức tạp, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nguồn vốn thì còn nhiều nguyên nhân chủ quan, trong đó có “tư duy trong việc lập, thực hiện quy hoạch và quản lý nhà nước chậm đổi mới theo yêu cầu của Luật Quy hoạch, vẫn muốn quản lý thông qua các quy hoạch được lập theo phương pháp cũ không còn phù hợp với nền kinh tế - thị trường cũng như không có sự liên kết giữa các ngành”./.
Ngọc Thành/VOV.VN