Aeon Mall nâng số lượng chuỗi hệ thống bán lẻ lên 100 siêu thị đến năm 2025. Ảnh: Aeon Mall
Thị trường tiềm năng, đặt niềm tin vào chuỗi cung ứng
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến ngày 20/8, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của NĐT NN vào Việt Nam đạt gần 16,8 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn, song vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần tăng lần lượt là 7,5 tỷ USD và 2,9 tỷ USD (tăng 50,7% và 3,6% so với cùng kỳ) tiếp tục là trụ đỡ cho dòng vốn FDI.
Đặc biệt trong 8 tháng năm 2022, vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là con số FDI thực hiện 8 tháng đầu năm cao kỷ lục. Số vốn tăng thêm và vốn thực hiện tăng mạnh cho thấy các NĐT NN tiếp tục đặt niềm tin vào kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam.
Điển hình như nhà máy lắp ráp thứ 2 của Daikin đang gấp rút hoàn tất xây dựng để kịp đi vào hoạt động trong quý 4 năm nay, nhằm tận dụng bối cảnh thị trường Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc trong 2 quý cuối năm. Dự kiến nếu đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung ứng thêm 150.000 sản phẩm/năm cho thị trường.
"Việt Nam có sản lượng tiêu thụ tốt. Năm tới, chúng tôi có kế hoạch nâng công suất sản xuất máy loại nhỏ lên 1 triệu chiếc. Nhân công giá rẻ là lợi thế của Việt Nam, bên cạnh đó là việc gia nhập các FTA cũng khiến DN FDI chúng tôi được hưởng ưu đãi về thuế quan xuất nhập khẩu" - Phó Tổng Giám đốc Daikin Việt Nam Noriyoshi Ogami cho biết.
Tổng Giám đốc Aeon Mall Furusawa Yasuyuki cho biết, tập đoàn đã điều chỉnh kế hoạch đầu tư theo hướng tăng hơn so với kế hoạch trước đây. Từ nay đến năm 2025, tập đoàn sẽ nâng số lượng chuỗi hệ thống bán lẻ lên 100 siêu thị, 16 trung tâm mua sắm và không giới hạn số lượng cửa hàng có diện tích sàn trên 500m2 trở lên.
Trong khi đó, Onaga - nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, cũng quyết định đầu tư vào Hà Nội. Dự kiến nhà máy sản xuất linh kiện máy bay, sản phẩm ứng dụng trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, máy bay, tàu biển, tàu shinkansen, ô tô… của Onaga sẽ được đưa vào sản xuất trong năm 2023.
“Thị trường Việt Nam còn rất tiềm năng. Hiện nay, hàng năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 100 tỷ USD linh kiện các loại ô tô, xe máy, máy móc các loại” - Chủ tịch Công ty Onaga Onaga Masaru chia sẻ về lý do rót vốn vào Việt Nam.
Trước đó, một khảo sát được công bố vào đầu năm 2022 của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ các DN dự định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1 - 2 năm tới là 55,3%, tăng 8,5 điểm so với năm trước, đứng đầu ASEAN. Còn với các DN châu Âu, sức hút Việt Nam đến từ triển vọng năng lượng xanh. 76% DN EU đang hoạt động tại Việt Nam sẽ tăng vốn trước khi kết thúc quý 3 năm nay.
"Phần lớn DN châu Âu đã đầu tư thì lên kế hoạch mở rộng sản xuất, DN chưa đầu tư đã làm việc trực tuyến với các đối tác tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang số hóa mạnh mẽ, tập trung xây dựng nền kinh tế xanh" - Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam Alain Cany thông tin.
8 tháng đầu năm 2022, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu trên 23,4 tỷ USD kể cả dầu thô, và xuất siêu trên 21,7 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực DN trong nước nhập siêu trên 21,8 tỷ USD.
Hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước
Thực tế, đang có nhiều tín hiệu rất tích cực cho thấy dòng vốn chất lượng cao dịch chuyển sang Việt Nam, khi Việt Nam thực hiện các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn. Đặt niềm tin vào chuỗi cung ứng, triển vọng tăng trưởng tích cực, cơ hội của Việt Nam đang rộng mở, có thể tin tưởng rằng dòng vốn FDI sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam trong thời gian tới.
Boeing muốn phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Ảnh: Kinh tế và Đô thị
Tổng giám đốc của Emirates Việt Nam Mohammed Alwahedi cho biết, từ 2 năm trước ông đã nhận thấy một số công ty đang chuyển hoạt động của họ vào Việt Nam, đặc biệt là ở miền Bắc Việt Nam, tức Hà Nội và các tỉnh lân cận.
"Ví dụ như Apple sản xuất tai nghe Airpod tại Việt Nam, cũng như các công ty khác, họ đang thực sự xem xét đầu tư nghiêm túc vào Việt Nam vì cơ sở hạ tầng và cả nhân lực hiện có ở Việt Nam" - ông Alwahedi nói.
Thông tin tích cực gần đây nhất là Apple có kế hoạch sản xuất đồng hồ thông minh Apple Watch và máy tính MacBook ở Việt Nam lần đầu tiên.
Theo bà Bùi Kim Thùy - Đại diện cấp cao tại Việt Nam của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), DN Hoa Kỳ đánh giá, chính sách của Chính phủ rất tiến bộ, sự hỗ trợ của các bộ ngành rất kịp thời và coi Việt Nam là trung tâm mới.
Đại diện USABC chia sẻ, không chỉ Apple cũng dịch chuyển nhiều khâu sản xuất yếu tố đầu vào sang Việt Nam, Boeing đã có những cuộc làm việc tại Việt Nam và dự kiến tổ chức hội nghị kinh doanh lớn tới đây, mở đầu cho chiến lược biến Việt Nam thành trung tâm hàng không của khu vực và phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ công nghiệp hàng không.
Về địa bàn đầu tư, các DN FDI đã đầu tư vào 53 tỉnh, TP trên cả nước trong 8 tháng năm 2022. Bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 30,3%, 25,3% và 16,1% tổng số dự án. Nếu xét về số dự án mới, NĐT FDI vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các TP lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Trong đó, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu về số dự án mới, chiếm 42,2%, số lượt góp vốn mua cổ phần, chiếm 67,3% và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn, chiếm 14,2% sau Hà Nội là 17,9%.
Các hãng lớn trên thế giới đang tìm đến thị trường Việt Nam do lợi thế địa chính trị ổn định, tăng trưởng tiềm năng đang đặt ra bài toán cho Việt Nam trong việc tận dụng nguồn lực bên ngoài để nâng cao năng lực cho DN trong nước.
Đơn cử với ngành dệt may, lũy kế đến 18/5/2022, trong lĩnh vực dệt may có 2.787 dự án FDI còn hiệu lực, với vốn đăng ký 31,3 tỷ USD. Sự đổ bộ của các dự án FDI đã khiến năng lực sản xuất và quy mô xuất khẩu của ngành dệt may tăng nhanh. Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 36 tỷ USD, năm 2021 là 40,3 tỷ USD, trong đó khối FDI nắm giữ khoảng trên 60% tổng giá trị xuất khẩu.
Quy mô ngành lớn, là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng cần nắn dòng vốn vào đúng khu vực “nút cổ chai” của ngành: Sản xuất vải, sợi, phụ liệu để tận dụng ưu đãi thuế quan từ 15 FTA đang có hiệu lực.
Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn lưu ý, trong bối cảnh hiện nay Chính phủ nên thành lập tổ công tác để nhanh chóng rà soát, đánh giá tác động cụ thể, đề xuất phương án, lộ trình tham gia phù hợp để vẫn giữ được sức cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Bên cạnh việc chọn lọc quy mô lớn nhằm thu hút các DN có công nghệ tiên tiến hàng đầu trên thế giới, đi kèm điều kiện sản xuất sạch, bảo vệ môi trường. Việc thu hút FDI tại Việt Nam cần tạo sức lan tỏa để DN Việt có nhiều cơ hội việc làm và tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn. Đồng thời, Chính phủ nên có thêm chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng lao động.
Bộ KH&ĐT cho biết, nhiều giải pháp thu hút dòng vốn FDI có chất lượng được tiếp tục tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới. Trong đó, sẽ tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho NĐT NN; tập trung phát huy lợi thế như môi trường chính trị ổn định, vị trí thuận lợi, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh từ cải thiện môi trường kinh doanh, nguồn lao động, hạ tầng... vốn là những yếu tố cơ bản mà NĐT quan tâm khi đưa ra quyết định đầu tư kinh doanh.
Nhằm hỗ trợ DN, trong thời gian tới Bộ Công thương tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam. Hiện các trung tâm này đang tích cực hợp tác với những tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam như: Toyota, Mitsubishi, Canon... nhằm tìm kiếm nhà cung cấp phù hợp tham gia chuỗi giá trị của các tập đoàn này./.
Theo Kinh tế và Đô thị