Vài ngày trước, khi Hà Nội vẫn đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, đã xuất hiện cảnh người dân xếp hàng dài để mua bánh Trung thu.
Đã có không ít thời điểm, quy định 5K bị “phá vỡ”. Chính quyền một số nơi đã phải vào cuộc nhằm vãn hồi trật tự. Và chỉ hơn chục tiếng sau khi TP kết thúc giãn cách theo Chỉ thị 16, rất nhiều người, trong đó có cả trẻ em đã đổ về các tuyến phố, khu vực trung tâm để “tham gia” Tết Trung thu, dù không có bất cứ hoạt động vui chơi, giải trí nào được tổ chức.
Thực tế, dịch Covid-19 ở Hà Nội đã cơ bản được kiểm soát. Trên địa bàn thành phố chỉ còn một số ổ dịch. Tuy nhiên, nguy cơ vẫn rất cao vì không thể loại trừ các F0 khỏi cộng đồng.
Ảnh minh họa: Internet
Hơn nữa, Chỉ thị 22 của thành phố cũng đã yêu cầu mọi cá nhân và các tổ chức tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm 5K cũng như các biện pháp bảo vệ.
Tuyệt đối không được chủ quan trong khi thành phố dần nới lỏng các hoạt động để phục hồi sản xuất, kinh doanh; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2 mét giữa người với người tại các địa điểm công cộng…
Cho nên việc tụ tập đông người vào đêm Rằm Trung thu vừa qua chỉ có thể lý giải rằng đó là sự chủ quan, coi thường sức khỏe của bản thân, gia đình, cộng đồng và đặc biệt là không thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch.
Bởi nới lỏng giãn cách không có nghĩa là buông xuôi, phải luôn kiểm soát tình hình dịch vì nếu một ca F0 xâm nhập vào thành phố, dịch Covid-19 tại Hà Nội hoàn toàn có nguy cơ bùng phát trở lại và tạo ra nhiều chùm lây nhiễm nghiêm trọng.
Thậm chí, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong còn bày tỏ lo ngại rằng thành quả chống dịch trong thời gian qua của cả thành phố, trong đó có đóng góp quyết định của nhân dân Thủ đô đang bị thách thức rất lớn.
Hà Nội đã nới lỏng các điều kiện về phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, Hà Nội vẫn còn có “vùng đỏ”, mỗi ngày vẫn có các ca dương tính và vẫn thực hiện theo tinh thần Chỉ thị 15 của Chính phủ.
Việc thành phố từng bước mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dần đưa cuộc sống trở lại “bình thường mới” là điều kiện cần thiết để người dân quay lại cuộc sống bình thường, vừa chống dịch, vừa lao động sản xuất. Nhưng nới lỏng giãn cách phải đi đôi với với bảo đảm các phương án, biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Nới lỏng trong điều kiện bình thường mới không có nghĩa là buông xuôi, phải luôn kiểm soát tình hình bởi nếu một ca F0 xâm nhập vào thành phố, dịch Covid-19 hoàn toàn có nguy cơ bùng phát trở lại và tạo ra nhiều chùm lây nhiễm nghiêm trọng.
Bởi vậy, để những thành quả chống dịch được duy trì, vừa bảo đảm sức khỏe, vừa khôi phục sản xuất kinh doanh, rất cần sự tự giác, chủ động chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch của mỗi người dân.
Đừng để thành quả bước đầu đạt được, đừng để công sức, nỗ lực của người dân cũng như các cơ quan chức năng uổng phí vì sự chủ quan./.
Theo Giáo dục và Thời đại