Chỉ một ngày sau khi thông báo sẽ tặng Việt Nam 1 triệu liều vaccine phòng Covid-19, tối muộn ngày 16/6, những lô vaccine của tình hữu nghị đã hiện diện ở sân bay quốc tế Nội Bài - Hà Nội. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đích thân có mặt để tiếp nhận những lô vaccine này. Tấm biển “Cảm ơn Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã viện trợ vaccine cho Việt Nam” như một lời tri ân sâu sắc.
“Món quà quý giá này thể hiện mối quan hệ tốt đẹp của Chính phủ và Nhân dân Nhật Bản với Chính phủ và Nhân dân Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và khan hiếm nguồn cung vaccine trên toàn thế giới. Việt Nam cam kết sử dụng lô vaccine này hiệu quả và nhanh nhất”- Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Ít ai biết rằng, chỉ vài tiếng trước khi ra sân bay đón lô vaccine của Nhật Bản, người đứng đầu ngành Y tế Việt Nam đã có cuộc bàn thảo trực tuyến với người đứng đầu ngành Y tế Cuba ở bên kia bán cầu. Chủ đề không gì khác chính là vaccine. Phía Cuba cho biết sẵn sàng ký kết hợp tác với Việt Nam về cung ứng vaccine Abdala, đồng thời hợp tác với Việt Nam để chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine này. Nếu Việt Nam có nhu cầu về vaccine lớn hơn số vaccine hiện Cuba đang sản xuất thì Cuba sẽ mở thêm 2 xưởng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của Việt Nam.
Nghĩa cử cao đẹp của bạn bè quốc tế làm chúng ta ấm lòng. Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á được Nhật Bản viện trợ vaccine phòng Covid-19. Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng mở thêm xưởng sản xuất vaccine. Những nghĩa cử ấy dựa trên nền tảng của mối quan hệ tốt đẹp, tin cậy lẫn nhau. Tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide chọn Việt Nam là nước đầu tiên đến thăm trong chuyến công du nước ngoài, thể hiện Nhật Bản đánh giá cao mối quan hệ song phương với Việt Nam cũng như vai trò của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Với Cuba, mối quan hệ giữa hai nước đã vượt qua không gian, thời gian, trở thành mẫu mực của tình đoàn kết quốc tế.
Cuộc chiến chống Covid-19 ở Việt Nam đang ở giai đoạn cam go khi mỗi ngày có thêm vài trăm ca nhiễm mới. Chưa ai dám chắc đây có phải là thời kỳ đỉnh dịch hay không nhưng chúng ta đặt quyết tâm sẽ kiểm soát được nguồn lây trong tháng 6. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ, lâu dài và toàn diện nhất vẫn là vaccine, là miễn dịch cộng đồng, là đưa cuộc sống trở lại bình thường, là nối lại giao thương giữa Việt Nam với thế giới.
Trong nhiều diễn đàn đa phương và song phương bằng hình thức trực tuyến, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã chuyển đi thông điệp: Để phục hồi, trở lại tăng trưởng, vấn đề cấp bách nhất hiện nay là ngăn chặn, đẩy lùi và giải quyết cơ bản đại dịch Covid-19. Nỗ lực của mỗi quốc gia là yếu tố quan trọng hàng đầu, nhưng sự hợp tác quốc tế hiệu quả là không thể thiếu được như: chia sẻ sự mất mát về tinh thần và vật chất; chia sẻ về công nghệ, tài chính, y tế, đặc biệt là vaccine.
Trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau, việc giúp các quốc gia khác có nguồn vaccine để miễn dịch cộng đồng cũng là cách để giúp chính mình nhằm tạo điều kiện cho các hoạt đầu tư, thương mại quốc tế, hợp tác đi lại, vận chuyển con người và hàng hóa, nhất là không bị đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một năm rưỡi đối phó với dịch bệnh, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, thể hiện trách nhiệm quốc tế trong cuộc chiến chống "kẻ thù chung” là Covid-19. Tuy nguồn lực còn hạn chế, điều kiện y tế chưa phát triển nhưng khi dịch bệnh bùng phát ở các quốc gia phát triển, gây thiệt hại lớn về sinh mạng, Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ vật tư y tế, chia sẻ kinh nghiệm, sẵn sàng cử đội ngũ y tế để giúp các nước.
Một ví dụ mới nhất là Việt Nam đã tiếp nhận và điều trị thành công một bệnh nhân Covid -19 là nhân viên của Liên Hợp Quốc đang công tác tại một nước trong khu vực và trong tình trạng bệnh chuyển biến nặng. Với sự tận tâm, tận lực của các y bác sĩ Việt Nam, bệnh nhân đã bình phục và rời Việt Nam ngày 15/6. Hành động này không chỉ đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên Hợp Quốc mà còn khẳng định truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam, thiện chí và cam kết đóng góp của Việt Nam vào hợp tác quốc tế để chung tay ứng phó với đại dịch COVID-19.
Tại thời điểm này, song song với những biện pháp nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trong nước, Chính phủ Việt Nam dành sự quan tâm đặc biệt với vấn đề vaccine phòng COVID-19 để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và khôi phục phát triển kinh tế. Việt Nam cần 150 triệu liều vaccine trong năm 2021 để phòng Covid-19 cho 75% dân số.
Việc giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn vaccine, dù ít hay nhiều của bạn bè quốc tế lúc này đều rất trân quý. Người Việt Nam vẫn thường nói: “Qua cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”./.
Giáng Hương/VOV.VN