Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của nước ta đã và đang có những thành tựu quan trọng để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng nhân dân. Trong 3 dấu ấn thế kỷ của Đảng: thứ nhất là tiến hành thành công cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; thứ hai, tiến hành thắng lợi công cuộc Đổi mới, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, thì dấu ấn thứ ba, đang diễn ra trong thế kỷ 21, chính là việc Đảng tiến hành chỉnh đốn Đảng với mũi nhọn chống tham nhũng trên tinh thần “hành trình không ngừng nghỉ, không vùng cấm”.
Trong hành trình đó, thời gian qua rất nhiều cán bộ cấp cao, sai phạm ở mức nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, có bằng chứng tham ô, hối lộ rõ ràng… đã phải chịu những bản án thích đáng của pháp luật. Những cán bộ sai phạm ít, sai phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự cũng phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và bị buộc thôi các vị trí công tác trong Hệ thống chính trị.
Trước tinh thần nghiêm túc đổi mới, chỉnh đốn, đấu tranh không khoan nhượng về tham nhũng, tiêu cực của Đảng, đã có những luồng dư luận từ nước ngoài mang nặng tính công kích, gieo rắc sự hoài nghi, cho rằng công cuộc chống tham nhũng đang gây áp lực lên toàn hệ thống, làm chùn chân, nhụt chí cán bộ. Làm cho cán bộ không dám làm, không dám hành động, qua đó, kiềm tỏa sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Liên quan luận điệu lệch lạc này, trả lời trước Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm khi còn là Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định: “Chống tham nhũng là xu thế không thể đảo ngược...” và không có chuyện vì “xử lý quá mà bây giờ cán bộ không dám làm”. Những người bị truy cứu trách nhiệm hình sự đều có bằng chứng rõ ràng là “ăn cắp tiền của nhà nước”, “là vi phạm pháp luật”.
Vì vậy, nói đến cùng, cán bộ dám làm hay không, không phải là vì công cuộc phòng chống tham nhũng đang diễn ra quyết liệt hiện nay. Nếu có cán bộ sợ không dám làm, là đang có dấu hiệu của sự yếu kém về năng lực, bản lĩnh chính trị, thậm chí đang mon men trong ranh giới vi phạm pháp luật. Nếu cán bộ có năng lực, thực sự đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết… thì làm gì có chuyện không dám làm, không dám hành động.
Chính vì vậy, trong Quy định 144 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, nhóm tiêu chuẩn đầu tiên là: yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc. Kế đến, là nhóm tiêu chuẩn về bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập. Trong đó nêu cao tinh thần: dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân…
Luôn hướng đến lợi ích của nhân dân, lợi ích của dân tộc, của đất nước chính là gốc rễ tinh thần 7 dám của cán bộ, đảng viên. Trong lịch sử phát triển của Đảng ta, không thiếu những thời điểm cần đến bản lĩnh, trí tuệ và cam go hơn nhiều, đấu tranh tư tưởng căng thẳng hơn nhiều. Nhưng mọi sự đổi mới, sáng tạo, mọi quá trình thay đổi nhận thức và đột phá phát triển: từ nguyên lý thành lập Đảng, đến lựa chọn giai đoạn cho cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đến quá trình Đổi mới đất nước… đều vì Đảng có lãnh tụ, có đội ngũ cán bộ, Đảng viên luôn dám hành động vì lợi ích dân tộc, vì nhân dân… Cho nên, cán bộ biết lấy dân làm gốc, vì lợi ích nhân dân, đất nướcthì không có chuyện không dám làm.
Báo Bà Rịa Vũng Tàu