Trong gói 350.000 tỷ đồng, 291.000 tỷ đồng là gói hỗ trợ tài khóa, với một điểm khác biệt nổi bật của gói hỗ trợ lần này, đó là giảm thuế giá trị gia tăng 2%, áp dụng với các nhóm hàng hóa, dịch vụ hiện đang chịu mức thuế VAT 10%, ngoại trừ một số nhóm ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã được nêu rõ trong nghị quyết. Trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng giảm sút do dịch COVID-19, chính sách này đã nhận được nhiều hưởng ứng từ phía doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Giảm thuế giá trị gia tăng giúp kích cầu trở lại
Một giỏ quà Tết có giá trị 1 triệu đồng, nếu trước đây người tiêu dùng sẽ phải đóng thuế VAT là 10%, tương đương với 100.000 đồng, thì nay chỉ phải đóng thuế 8% là 80.000 đồng, nghĩa là hàng hóa sẽ rẻ hơn, với cùng một số tiền, người tiêu dùng có thể mua được nhiều hơn.
Đối với các doanh nghiệp, dù việc giảm thuế giá trị gia tăng chỉ dành cho khách hàng, nhưng doanh nghiệp vẫn được lợi vì giúp tăng doanh số bán hàng. Đại diện một nhà hàng ở Hà Nội kỳ vọng, khách hàng sẽ chi tiêu nhiều hơn sau khi được giảm thuế VAT.
Trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng giảm sút do dịch COVID-19, chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô gần 350.000 tỷ đồng nhận được nhiều hưởng ứng từ phía doanh nghiệp và người tiêu dùng. (Ảnh: TTXVN)
Việc giảm thuế giá trị gia tăng được cho là sẽ tác động tích cực lên ngành du lịch. Bởi một tour du lịch bao gồm nhiều dịch vụ từ vận tải, ăn uống đến lưu trú, thăm quan đều được giảm loại thuế này.
Đại diện một đơn vị lữ hành cho biết, việc giảm thuế VAT sẽ có tác động tích cực ngay tới du lịch nội địa, khách quốc tế cần thêm thời gian, do vậy sắp tới đơn vị sẽ tiếp cận thêm tệp khách hàng mới này.
"Khách Việt Nam đang ở đây. Ngay khi giảm giá như vậy, khách có thể đi được luôn và họ sẽ được hưởng lợi nhiều. Khách hàng nội địa sẽ là tệp khách hàng mới của chúng tôi. Chính sách này sẽ giúp kích cầu du lịch nội địa và chúng tôi sẽ có doanh thu từ đó", bà Nguyễn Đặng Minh Chung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH và Du lịch Trọng Điểm (Focus Travel), cho hay.
Còn theo các chuyên gia, việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ tạo phản ứng tích cực về tiêu dùng, đầu tư và cung lao động, kéo theo sản lượng gia tăng, giúp phục hồi cho nền kinh tế.
Tăng cường hỗ trợ an sinh xã hội
Bên cạnh các hỗ trợ về thuế, gói chính sách tài khóa còn bổ sung một điểm quan trọng vào ngày biểu quyết thông qua Nghị quyết, sau khi lắng nghe kiến nghị của các đại biểu. Đó là các hỗ trợ liên quan tới người lao động và an sinh xã hội.
Theo đó, hỗ trợ 6.600 tỷ đồng tiền thuê nhà cho người lao động đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm; đồng thời, tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Về phía chính sách tiền tệ phục vụ an sinh xã hội sẽ có 38.400 tỷ đồng cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm; các cơ sở giáo dục ngoài công lập, cá nhân vay, mua nhà, xây mới và cải tạo nhà ở xã hội...
Giảm lãi suất cho vay - tiếp sức phục hồi cho doanh nghiệp
Ngoài ra, gói hỗ trợ cấp bù lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Tổng quy mô ước tính khoảng 40.000 tỷ đồng thông qua các ngân hàng thương mại. Dòng vốn giá rẻ này được nhiều doanh nghiệp ví von sẽ như là dòng máu tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi.
Giovanni Group đang lên kế hoạch mở rộng nhà máy để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Ước tính, chỉ cần giảm 1% lãi suất cho vay, với dư nợ hiện tại, doanh nghiệp có thể tiết giảm chi phí cả tỷ đồng mỗi năm.
"Nếu gói hỗ trợ này duy trì được mức lãi suất như vậy trong vòng 1 - 2 năm tới sẽ là động lực giúp cho doanh nghiệp tự tin, nhanh chóng áp dụng các công nghệ mới để sản xuất, tạo ra sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu", ông Nguyễn Trọng Phi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Giovanni Group, cho hay.
Các doanh nghiệp mong muốn gói hỗ trợ sẽ sớm có hướng dẫn cụ thể về đối tượng, điều kiện được giảm. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Giảm lãi vay là trực tiếp giảm gánh nặng tài chính. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng mong muốn gói hỗ trợ sẽ sớm có hướng dẫn cụ thể về đối tượng, điều kiện được giảm. Chính sách phải sớm đến được tay doanh nghiệp mới giúp họ không bỏ lỡ thời điểm khôi phục sản xuất sau dịch bệnh.
"Tôi hy vọng các ngân hàng sẽ giải ngân sớm, bỏ bớt các thủ tục, không cần ngoại giao hay quan hệ mà chúng tôi vẫn dễ dàng tiếp cận được gói hỗ trợ này của Chính phủ", ông Lê Thành Công, Giám đốc công ty TNHH Rapido Việt Nam, bày tỏ.
Song song với cấp bù lãi suất, Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu ngành ngân hàng phấn đấu giảm lãi suất thêm 0,5 - 1%/năm trong 2 năm tới. Trong định hướng điều hành, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại phải cân đối nguồn vốn để giảm lãi vay, bởi hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi cũng chính là giúp ngân hàng bảo đảm an toàn hoạt động.
"Sang năm 2022, chúng tôi cho rằng chủ trương hạ lãi suất vẫn tiếp tục được đặt ra, nhưng trên cơ sở các ngân hàng thương mại phải bằng chính nguồn lực của mình, giảm lãi suất từ việc tiết kiệm chi phí hoạt động, chia sẻ lợi nhuận trong điều kiện khó khăn hiện nay", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhận định.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Đây là giải pháp quan trọng để doanh nghiệp không bị chuyển nhóm nợ xấu, có thể tiếp cận được dòng vốn khôi phục sản xuất kinh doanh.
Dự báo gói hỗ trợ sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh
Việc thực hiện các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ cho phục hồi kinh tế lần này nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 6,5 - 7%, nhưng vẫn duy trì lạm phát dưới 4% và đảm bảo ổn định các cân đối vĩ mô của nền kinh tế. Vì vậy, hiệu quả và sức lan tỏa của gói hỗ trợ là nhân tố được các chuyên gia đặc biệt lưu tâm.
"Nhà nước dùng cả thể chế, chính sách, công cụ đầu tư và gói tín dụng… Lần này khác các lần trước là chính sách hỗ trợ đồng bộ, chứ không phiến diện. Do vậy tôi cho rằng nó sẽ có tác động lan tỏa lớn nếu chúng ta thực hiện tốt và đúng theo yêu cầu nghị quyết Quốc hội đề ra", ông Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, đánh giá.
Trong định hướng điều hành, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại phải cân đối nguồn vốn để giảm lãi vay. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Với nguồn lực khoảng 40.000 tỷ để hỗ trợ về lãi suất, các chuyên gia kỳ vọng sẽ lan tỏa tới khoảng 1 triệu tỷ đồng tín dụng được hỗ trợ, tuy vậy để hiệu quả, cần thực hiện có trọng tâm, trọng điểm.
"Nên tái cấu trúc lại hệ thống quỹ tín dụng, quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tăng cường thêm nhân sự, nguồn vốn để chúng ta mở rộng thực thi vai trò, chức năng bảo lãnh cho doanh nghiệp và khi chúng ta có được sự bảo lãnh của quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa thì ngân hàng thương mại mới mạnh dạn để dám cung cấp tín dụng này", ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh, cho hay.
Ngoài ra, để gói hỗ trợ hiệu quả, các chuyên gia cho rằng cần tính toán sức hấp thụ đến đâu, cần cung cấp cho doanh nghiệp, tránh việc tiền chảy vào lĩnh vực đầu cơ hay lợi dụng chính sách.
Nguồn VTV