1. Phan Bội Châu (1867-1940) là một trong những nhà yêu nước lớn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, là “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập dân tộc, được 20 triệu người trong vòng nô lệ tôn sùng”. Quan điểm của Phan Bội Châu về tôn giáo nói chung và vận động đồng bào Công giáo nói riêng được đánh giá là rất tiến bộ so với xã hội lúc bấy giờ và đến nay vẫn có ý nghĩa to lớn.
Với góc độ tiếp cận chính trị - xã hội, Phan Bội Châu cho rằng trong quá trình tiến hành cách mạng, vấn đề tôn giáo đặt ra ở một số khía cạnh chính trị - xã hội cần được giải quyết tốt để tập hợp được lực lượng cách mạng, đoàn kết được nhân dân tham gia chống thực dân Pháp và phát triển xã hội. Phan Bội Châu có sự tìm hiểu và phân tích, tôn trọng vai trò, đức tin của Công giáo, các nhà truyền giáo và người Công giáo Việt Nam, là nhà Nho đầu tiên không đả kích, thành kiến với Công giáo. Trong bối cảnh người Công giáo Việt Nam bị hầu hết người Việt tin là đi theo một “giáo lý sai lầm” dẫn dụ họ phản bội quê hương - các bài viết của Phan Bội Châu về vấn đề Công giáo đã thể hiện sự tiến bộ về nhận thức đối với Công giáo.
Trong các tác phẩm của mình, Phan Bội Châu khẳng định người Công giáo Việt Nam là một bộ phận trong hàng ngũ cách mạng đấu tranh chống Pháp xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, không đánh đồng Công giáo với thực dân xâm lược. Giáo dân Việt Nam cũng chính là những người “cùng giống”, là “anh em đồng bào”, giáo dân Công giáo là một bộ phận trong hàng ngũ cách mạng đấu tranh chống Pháp xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Phan Bội Châu khẳng định đồng bào Công giáo là “dân nước Việt Nam, tất nhiên là không theo nước Pháp, tất nhiên là không chịu đi giúp người Pháp để hại nước Việt Nam. Như thế mới là dân Thiên Chúa giáo cứu thế, như thế mới là dân đồng bào nước Việt Nam”. Phan Bội Châu phản đối quan niệm cho rằng Công giáo là theo Pháp, người phản bội Tổ quốc theo đuôi giặc cũng không riêng người Công giáo: “Đó là tội của một vài người cá biệt chứ không phải tội của Công giáo…".
Phan Bội Châu cho rằng Công giáo có nhiều ưu điểm mà người Việt Nam có thể tiếp nhận như: chú trọng việc tương thân tương ái, biết hợp quần đoàn thể, có cái cảm tình không ước hẹn mà đồng tâm, chú trọng về linh hồn mà coi khinh thể xác, cho nên khi dồn ra làm việc nghĩa thì có được cái phong thái coi nhẹ việc sống mà dám chết, trước hãy lo công lợi đã, sau mới đến tư ích, trước lo việc nước, sau mới đến việc nhà. Khi nào làm việc lợi ích công cộng cho toàn xã hội thì toàn thể mọi người tin yêu ngay, nên dễ bề tập hợp.
Có thể nói Phan Bội Châu là người đầu tiên nghiên cứu, phân tích và đưa ra quan điểm người Công giáo “kính Chúa yêu nước” một cách thuyết phục nhất. Phan Bội Châu đã không phủ nhận vai trò của Công giáo, của các nhà truyền giáo và giáo dân Công giáo, đồng thời phân tích và nhấn mạnh những đặc điểm chung để chỉ ra giáo dân Công giáo có khả năng trở thành một bộ phận tích cực trong hàng ngũ cách mạng. Ông chủ trương đoàn kết lương – giáo và chú trọng công tác vận động đồng bào Công giáo tham gia khối đoàn kết chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, Phan Bội Châu phê phán những con người, hành vi lợi dụng tôn giáo vì mưu đồ khoét sâu mối bất đồng dân tộc, phê phán gay gắt hoạt động của một số linh mục, giáo sĩ Công giáo thông qua truyền giáo để “thăm dò” Việt Nam, chuẩn bị cho sự xâm lược của thực dân Pháp.
Để hướng đồng bào Công giáo vào sự nghiệp cách mạng, cần coi trọng việc đoàn kết lương – giáo và công tác vận động đồng bào Công giáo. Phan Bội Châu nhiều lần khẳng định vai trò quan trọng của sự đoàn kết thống nhất giữa những người Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống Pháp, cần hết sức tránh việc chia rẽ, mâu thuẫn vì lý do tôn giáo, việc bài trừ Công giáo và giáo dân Công giáo chính là nguyên nhân gây chia rẽ và sẽ phản tác dụng trong cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược, “đám mây đen tối chia rẽ giáo lương bây giờ đã được quét sạch, đó cũng là việc đáng thích”. Về thực tiễn, phong trào Đông Du phát triển có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào công giáo. Hàng chục thanh niên giáo dân đã theo Phan Bội Châu sang Nhật du học để về giúp đất nước như Lưu Văn Quế, Lý Trọng Mậu, Lý Hồng Chung, Lê Khanh, Nguyễn Văn Phú…
2. Quan điểm của Phan Bội Châu về tôn giáo, tín ngưỡng còn một số hạn chế, còn kỳ vọng vào “thiên lương”, “thiên hướng”, vào sự hối cải về với dân tộc ở những người theo Pháp. Tuy nhiên, tư tưởng tín ngưỡng tự do, lương - giáo đoàn kết là một dấu son trong tư tưởng của Phan Bội Châu, là một trong những yếu tố đưa tới tư tưởng đoàn kết quốc tế, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, đoàn kết các tín đồ tôn giáo trên lập trường yêu nước. Đây cũng là một trong những giá trị được thế hệ sau tiếp nối và nâng lên một tầm cao mới về chất mà đại diện xuất sắc là Hồ Chí Minh.
Những quan điểm của Phan Bội Châu về Công giáo và vận động đồng bào Công giáo cũng như thực tiễn hoạt động của ông có ảnh hưởng đáng kể đến các phong trào đấu tranh chống thực dân tiếp theo. Những hạn chế trên sau này được Đảng Cộng sản Việt Nam khắc phục, hoàn thiện, bổ sung cơ sở lý luận khoa học và thu được kết quả thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương tự do tôn giáo, lương – giáo đoàn kết, chống những hành vi lợi dụng Công giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại cuộc kháng chiến chống Pháp;“Công giáo cứu quốc hội là một lực lượng to lớn thêm vào để làm cho thêm vĩ đại cái lực lượng vô cùng vĩ đại của toàn thể quốc dân”. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng bào Công giáo đã tham gia tích cực và trở thành một lực lượng cách mạng: Chính sách “tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra đã góp phần to lớn vào sự nghiệp đoàn kết toàn dân kháng chiến thắng lợi, giành độc lập thống nhất hoàn toàn cho đất nước.
Để nâng cao hiệu quả công tác vận động đồng bào Công giáo ở Việt Nam hiện nay, từ quan điểm của Phan Bội Châu có thể rút ra một số vấn dề đáng chú ý. Trước hết là tiếp tục khẳng định nhất quán quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về tôn trọng tín ngưỡng, tôn giáo cũng như tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật. “Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật; chủ động giúp đỡ giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng”.
Thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để mê hoặc, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Công tác vận động đồng bào Công giáo phải động viên đồng bào nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập và thống nhất của Tổ quốc. Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung. Mọi công dân không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo đều có quyền và nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Công tác vận động đồng bào Công giáo là bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo. Động viên đồng bào nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập và thống nhất của Tổ quốc; thông qua việc thực hiện tốt các chính sách kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo đảm lợi ích vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung, trong đó có đồng bào tôn giáo. Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống "tốt đời đẹp đạo", đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tư tưởng Phan Bội Châu về đồng bào tôn giáo nói chung, đồng bào Công giáo nói riêng có ý nghĩa sâu sắc đối với công tác vận động đồng bào Công giáo hiện nay. Nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập, chù quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Lấy mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” là điểm tương đồng. Mọi công dân không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo đều có quyền và nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác vận động đồng bào Công giáo là bộ phận quan trọng trong công tác dân vận, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo. Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống "tốt đời đẹp đạo", đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.
(1) Phan Thế Hải: Phan Bội Châu - người truyền cảm hứng cho Nguyễn Ái Quốc, Báo điện tử Hà Nội mới, truy cập ngày 18/2/2023.
(2) Phan Bội Châu với tư tưởng đoàn kết dân tộc trong đấu tranh cách mạng, Báo Nghệ An 26/12/2022
(3) Phan Bội Châu: Toàn tập, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2000, tập 2, tr. 210, 265,
(4) Giới thiệu luận án Tiến sĩ Triết học của Nguyễn Khắc Sâm “Phan Bội Châu với tín ngưỡng, tôn giáo”, Tạp chí Thông tin khoa học xã hội tháng 11.2017
Phương Chi - Thùy Linh