Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý các nội dung trọng tâm về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Phát triển quỹ đất; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; hộ gia đình sử dụng đất…
Đặc biệt, các ý kiến của các đại biểu đã phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng và tạo sự đồng thuận trong nhân dân; đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hệ thống MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội và toàn dân đối với việc sửa đổi Luật Đất đai và thi hành Luật Đất đai.
Tiến sỹ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam nhận xét: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được nghiên cứu nghiêm túc, công phu. Nội dung Luật đã cơ bản đề cập đồng bộ các yêu cầu từ định hướng quản lý, từ yêu cầu thực tiễn đã có những đổi mới mang tính đột phát. Về nội dung Thu hồi, trưng dụng đất (chương VI dự thảo), ông cho rằng đây là vấn đề được người dân quan tâm và được trao đổi nhiều trong các hội nghị góp ý về Luật Đất đai. Dự thảo đã đề cập đến nhiều quy định cụ thể, song vẫn có nhiều góp ý khác nhau thậm chí trái chiều, vì khác nhau trong cách hiểu về thu hồi, trưng dụng. Dự thảo cần quy định rõ nội hàm của 2 thuật ngữ này.
Về bồi thường, tái định cư, hỗ trợ khi thu hồi đất cần quy định cụ thể hơn với một số vùng, miền như: Miền núi, hải đảo. Phương án hỗ trợ đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm cần bổ sung một số phương án để người dân lựa chọn, không chỉ nêu cứng nhắc như trong dự thảo. Trách nhiệm các cấp chính quyền cần xác định rõ hơn, nhất là với trường hợp thu hồi không bồi thường...
Đồng quan điểm trên, Tiến sỹ Lê Văn Hoạt, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã căn bản quán triệt và cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp và các định hướng chính sách lớn đã để ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nội dung khá toàn diện, bao quát với nhiều điểm mới có tính chất đột phá. Ví dụ như những điểm mới trong xác định giá đất, cơ chế, chính sách tài chính về đất đai; cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa trung ương và địa phương; điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch.
Tuy nhiên, Tiến sỹ Lê Văn Hoạt cũng cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn nhiều điểm cần rà soát kỹ hơn, cụ thể hóa hơn, nhằm đảm bảo sự thống nhất hơn giữa các nội dung trong bản thân Luật này và các Luật khác có liên quan, để đảm bảo tính khả thi của Luật. Đơn cử như với nội dung hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở điều 61 của dự thảo có quy định tại khoản 3: "Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện”. Tuy nhiên, trong Luật quy hoạch năm 2017, tại điều 5 về hệ thống quy hoạch quốc gia lại không có nội dung quy hoạch cấp huyện mà chỉ có quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, do đó cần xem xét, điều chỉnh trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho thống nhất hoặc ghi rõ hơn nội dung này.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, khoa học, khả thi của các chuyên gia, nhà khoa học. Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố sẽ tiếp thu đầy đủ tất cả các ý kiến tại hội nghị. Các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học gửi Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội bằng văn bản cùng với các ý kiến của nhân dân, các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam các cấp sẽ được tổng hợp, chắt lọc khách quan gửi về Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, để nghiên cứu tiếp thu hoàn chỉnh Luật.
Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, việc tổ chức hội nghị góp ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được MTTQ Việt Nam thành phố, các tổ chức thành viên các cấp tích cực triển khai một cách rộng rãi, thông qua nhiều hình thức như: Tại hội nghị Đại biểu nhân dân ở các thôn, tổ dân phố; tại các hội nghị góp ý do MTTQ Việt Nam cấp xã, cấp huyện và các tổ chức thành viên tổ chức; lấy ý kiến thông qua hệ thống trang Fanpage của MTTQ Việt Nam các cấp và qua tiếp nhận các văn bản góp ý...
Đến ngày 28/2, có 19 Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện đã tổ chức hội nghị với 175 ý kiến góp ý trực tiếp và 152 ý kiến góp ý bằng văn bản; 521 Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã tổ chức hội nghị với hơn 2.000 ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Nguồn TTXVN