Các phong trào thi đua ở huyện Mèo Vạc đã tạo ra nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, trong đó có thể kể đến lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp với nhiều phong trào như: “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”, “Xây dựng cánh đồng mẫu, cánh đồng thâm canh”, “Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất”, “Phát triển cây vụ Đông”, “Chung tay cùng nhân dân phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa nâng cao thu nhập”... đã thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát huy sức mạnh nội lực của nhân dân với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” cùng các cơ chế, chính sách đầu tư của Nhà nước, phong trào thi đua làm đường giao thông nông thôn đã giúp cho hệ thống giao thông có bước đột phá; đến nay, 18/18 xã có đường nhựa đến trung tâm xã và 100% thôn có đường xe cơ giới đến trung tâm thôn; 100% các xã có trường học trung tâm, trạm y tế được đầu tư xây dựng kiên cố; 85% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia (tăng 24,15% so với năm 2015). Nhân dân xã Lũng Chinh mở đường Nông thôn mới.
Phong trào thi đua “Phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững” được các cấp, ngành và nhân dân tích cực hưởng ứng theo hướng xã hội hoá, phát huy nguồn lực của từng hộ gia đình; tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm đạt 6% với 5.325 hộ thoát nghèo. Cùng với đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai sâu rộng từ huyện đến cơ sở; các loại hình văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn được bảo tồn, khôi phục, phát huy.
Phong trào thi đua xây dựng NTM lan tỏa sâu rộng và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy tối đa nội lực trong nhân dân; với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau; việc không cần nhiều tiền làm trước, việc cần nhiều tiền làm sau” tạo đồng thuận cao trong toàn xã hội. Nhiều địa phương triển khai phong trào thi đua với cách làm sáng tạo như: “Ngày thứ 7 cán bộ và nhân dân chung tay xây dựng NTM” thu hút đông đảo nhân dân tham gia, hiến trên 86.266 m2 đất; đóng góp trên 72.250 ngày công.
Đồng chí Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Kết quả các phong trào thi đua là sự đóng góp của từng tập thể, từng cá nhân trên các mặt của đời sống xã hội. Đó là những hộ nông dân, những người lao động trực tiếp; dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và giúp người khác cùng vươn lên để làm giàu cho gia đình, địa phương. Đó còn là những cán bộ, công nhân tích cực lao động sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tận tụy, có trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Có thể khẳng định, hiệu quả của phong trào thi đua yêu nước đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển huyện nhà.
Nhân dân xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc mở đường Nông thôn mới. Ảnh: Báo Hà Giang
Giai đoạn 2015 – 2020, cơ cấu kinh tế huyện Mèo Vạc chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản; cơ cấu từng ngành kinh tế đổi mới tích cực theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 20,56 triệu đồng (tăng 9,06 triệu đồng so với năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 66,01% năm 2015 xuống còn 35,99% năm 2020; tình hình an ninh chính trị ổn định, QP – AN được tăng cường; sức mạnh đại đoàn kết dân tộc được phát huy; công tác xây dựng hệ thống chính trị được coi trọng.
Phát huy truyền thống anh hùng, Mèo Vạc đang ra sức thi đua nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên; phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên các lĩnh vực trọng tâm; quyết tâm thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, huyện đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, hướng vào nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tổ chức phát động với các hình thức phong phú, có tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị, địa phương. Đồng thời, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời; chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất…/.
Theo Báo Hà Giang