“Mắt thần” phòng Covid-19
Trong tuần qua, Quận đoàn Hà Đông (TP Hà Nội) đã triển khai 17 đội hình lưu động hướng dẫn các cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận tạo điểm quét mã QR code.
Bà Hoàng Thị Huyền Trang - Bí thư Quận đoàn Hà Đông cho biết, đội hình lưu động đi tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các cơ sở kinh doanh, người dân, doanh nghiệp… tạo lập các điểm kiểm soát dịch bệnh thông qua mã QR code. Đồng thời, hướng dẫn nhân dân cài đặt ứng dụng Bluezone, sổ sức khỏe điện tử. Hướng dẫn những người không có điện thoại thông minh quét mã bằng căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân.
Cũng theo Bí thư Quận đoàn Hà Đông, đơn vị triển khai đội hình điểm tại 5 phường (Mộ Lao, Văn Quán, La Khê, Phú Lương, Hà Cầu) với giải pháp mang máy tính, máy in đi đến từng điểm cần tạo mã QR code. Trực tiếp giúp các cơ sở, người dân tạo điểm quét và in, dán mã tại chỗ.
Hệ thống kiểm soát y tế thông minh CLi-SmartEyes được lắp đặt tại chợ Hàng Da. Ảnh: Giáo dục và Thời đại
“Tại các phường còn lại, đoàn viên thanh niên sẽ triển khai theo phương pháp truyền thông. Đó là đi thu thập thông tin từng địa điểm và tổng hợp, tạo điểm quét, in và mang đến cho người dân. Dự kiến đoàn viên, thanh niên trong quận sẽ triển khai chiến dịch này đến hết ngày 30/9, đảm bảo bao phủ toàn bộ các cơ sở, hộ kinh doanh, địa điểm cần tạo mã quét theo quy định trên địa bàn toàn quận...”, bà Huyền Trang nói.
Liên quan đến mã QR code, mới đây một hệ thống kiểm soát y tế thông minh CLi-SmartEyes đã ra đời. Sản phẩm giúp tự động kiểm soát tại các điểm công cộng, phát hiện người bị sốt, lịch sử dịch tễ thay người đứng chốt. Đây là sản phẩm do PGS.TS Phạm Hồng Quang, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và cộng sự nghiên cứu chế tạo.
PGS.TS Quang cho biết, qua ghi nhận, nhiều người đi chợ, đi mua hàng hiện không mang điện thoại. Một số người có thì lại không phải điện thoại thông minh. Một số người khác đưa mã QR code không phải của địa điểm đó dẫn tới mất đi ý nghĩa của quét mã y tế.
“Việc kiểm soát xã hội qua truy vết phải đảm bảo người quét đúng chưa, người kiểm soát nắm được thông tin cơ bản người ra vào. Ngoài ra, nhiều người dân bối rối vì nhiều ứng dụng hoặc nhiều công đoạn nên không muốn sử dụng…
Sân bay, bến xe có thể thông báo truy vết qua báo chí nhưng cửa hàng, chợ tạm thì rất khó cho lực lượng chức năng”, PGS.TS Quang chia sẻ.
“Công nghệ không có ý nghĩa nếu như người dân không thực sự làm đúng, làm chính xác việc quét mã QR code, đo thân nhiệt. Hệ thống tự động có ý nghĩa khi mọi người dân tự nguyện, có ý thức chấp hành...”, PGS.TS Quang nói.
Theo PGS.TS Quang, sản phẩm mắt thông minh - CLi SmartEyes có thể gắn ở cửa ra vào các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, khu công nghiệp, bệnh viện, trường học, bến tàu xe, khu chung cư... để kiểm soát thông tin dịch tễ của người ra vào.
“Hiện hệ thống đã được lắp đặt tại sảnh chính Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai...”, PGS.TS Quang thông tin.
Về giá cả hệ thống thiết bị, PGS.TS Quang cho biết, do sản xuất trong nước, tự chủ công nghệ nên giá rẻ hơn so với sản phẩm nhập ngoại. Việc sản xuất với số lượng giá thành rất thấp phù hợp với điều kiện ứng phó với dịch bệnh.
Quyết phục hồi kinh tế
Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Hà Nội sẽ đi từng bước chắc chắn thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. Nhiệm vụ quan trọng này đòi hỏi sự hợp tác của từng người dân và mỗi tổ chức, doanh nghiệp, bởi nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19 vẫn còn đó.
Ông Đinh Tiến Dũng cho biết, mặc dù thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố, nhưng Hà Nội không đóng cửa siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện ích mà chỉ điều chỉnh lại hoạt động để bảo đảm phòng, chống dịch.
Triển khai mã quét QR code tại cơ sở kinh doanh để truy vết phòng dịch. Ảnh: Giáo dục và Thời đại
Nhờ đó, việc cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh trong 60 ngày giãn cách vừa qua không bị đứt gãy. Hà Nội vẫn duy trì hoạt động thương mại, bảo đảm sản xuất một số ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp...
Thành phố cũng đã triển khai tổ chức sản xuất an toàn, ổn định ở “vùng xanh” để cung ứng hàng hóa cho “vùng đỏ”. Tổ chức cho người dân thu hoạch rau màu, vụ lúa hè thu...
Ngay từ khi thực hiện phong toả, chúng tôi đã chỉ đạo bổ sung 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách năm 2021 ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để cho vay đối với người lao động có nhu cầu để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nhờ tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, duy trì được chuỗi liên kết sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh, thành phố đã thu được một số kết quả khả quan. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II tăng 6,61%, cao hơn quý trước (quý I tăng 5,17%), góp phần thúc đẩy chung tăng trưởng chung 6 tháng đạt 5,91%, cao hơn mức chung của cả nước (5,64%).
Trong 8 tháng đầu năm 2021 thu ngân sách đạt 69,8% dự toán Trung ương giao, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước, sản xuất công nghiệp cũng tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2020...
Chủ trương của thành phố là an toàn đến đâu mở ra đến đó. Vừa mở, vừa thăm dò, đánh giá, không mở ồ ạt. Chống dịch để sản xuất và sản xuất để phục vụ chống dịch.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, sẽ đi từng bước chắc chắn để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế. Song song với các biện pháp đồng bộ, toàn diện, có 3 biện pháp trọng tâm mà Hà Nội sẽ tập trung thực hiện.
Thành phố tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, người dân phải thực hiện “5K”, tuân thủ khai báo y tế, quét mã QR, đưa việc này trở thành thói quen, nếp sống hằng ngày. Cùng với người dân, các doanh nghiệp sẽ thực sự là chủ thể, trung tâm trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất phải bảo đảm an toàn./.
Theo Giáo dục và Thời đại