Cơ bản diện tích đất trồng trọt sẽ được áp dụng công nghệ cao
Những năm qua, TP Hải Phòng có nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và đã hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Tuy rằng kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng nhưng sản xuất nông nghiệp liên tục giữ vững nhịp độ phát triển, năng suất, sản lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm nông sản luôn tăng cao, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân khu vực nông thôn.
Thông qua Nghị quyết 13 và Nghị quyết 14 về việc hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó trọng tâm là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong giai đoạn 2017-2020, ngân sách thành phố đã hỗ trợ cho doanh nghiệp có dự án, các hộ dân hơn 400 tỷ đồng. Ngoài ra, quá trình triển khai xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tạo điều kiện cho các địa phương phát triển các sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn trong việc xây dựng đường nội đồng, công trình thủy lợi, xử lý chất thải... phục vụ sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.
Qua đó, đã góp phần hình thành khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, an toàn thực phẩm, sản phẩm có chất lượng, được gắn nhãn hiệu, góp phần thúc đẩy chuyển dịch sản xuất nông nghiệp từ nông hộ sang tập trung, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn.
Ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Vĩnh Bảo. Ảnh: Internet
Hiện tại có 12 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng quy mô diện tích gần 500 ha, vốn đầu tư trên 3.100 tỷ đồng, nhiều nơi đi vào sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra cũng đã có 17 doanh nghiệp khảo sát, xin chủ trương đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, diện tích 2.186,6 ha, dự kiến kinh phí đầu tư 8.118,9 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Thép, Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng cho biết: Thành phố đã thu hút được 12 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, 54 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Diện tích sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn ngày càng mở rộng, các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nguyên liệu được hình thành để phục vụ sản xuất, cung cấp sản phẩm cho chế biến, cho thị trường trong nước và cho xuất khẩu.
“Từ năm 2012 đến 2020, ngân sách TP Hải Phòng đã thu hút được các dự án sản xuất nông nghiệp và chế biến sản phẩm nông nghiệp ứng dựng công nghệ cao với tổng mức đầu tư 2,5 nghìn tỷ đồng. Hỗ trợ cho doanh nghiệp có dự án, các hộ dân khoảng 406 tỷ đồng (hỗ trợ thực hiện theo Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 20/7/2017 là 44,092 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công, Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND ngày 20/7/2017 là 362 tỷ đồng thực hiện giải phóng mặt bằng). Ngoài ra việc triển khai xây dựng NTM hiệu quả đã tạo điều kiện cho các địa phương phát triển các sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn”, ông Thép cho hay.
Từ những kết quả ban đầu đó, thu nhập bình quân đầu người trong sản xuất nông nghiệp đã tăng nhanh. Nếu như năm 2015 chỉ đạt gần 37 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2020 đã đạt hơn 56 triệu đồng/người/năm (tăng 52%). Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2020 ước đạt 15.335,9 tỷ đồng, tăng bình quân 1,5%/năm.
Theo Sở NN-PTNT Hải Phòng, trong giai đoạn tiếp theo, thành phố sẽ tiếp tục có những chính sách ưu đãi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao với mục tiêu đề ra là 62,4% đất sản xuất trồng trọt sẽ được áp dụng công nghệ cao. Giá trị gia tăng trên 1 đơn vị diện tích đất nông nghiệp đạt 180 triệu đồng/ha và giá trị sản xuất trồng trọt đạt 245 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân tại khu vực nông thôn sẽ đạt trên 80 triệu đồng/người/năm trong vòng 5 năm tới.
Gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị hóa
Thành tích rõ nhất mà Hải Phòng đã đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp trong 5 năm qua có thể thấy là hiệu quả của tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, trong đó nổi bật là các cơ chế, chính sách của thành phố để thúc đẩy tăng giá trị sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.
Trong thời gian ngắn, Hải Phòng đã quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao định hướng đến năm 2030 với quy mô 5.870 ha trên địa bàn các huyện/quận và 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tổng diện tích 590ha.
Trong đó, giai đoạn 2017-2020 đã xây dựng 17 vùng, đến thời điểm này đã có 3 vùng đi vào đầu tư sản xuất: Sản xuất hoa tại Đông Sơn, Thủy Nguyên; chuẩn bị xây dựng hạ tầng cơ sở tại xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo (trồng cỏ nuôi vỗ béo bò Úc) và vùng Đồng Minh, Vinh Quang, Hưng Nhân, Thanh Lương, huyện Vĩnh Bảo (sản xuất đậu tương, rau xuất khẩu).
Đồng thời đã quy hoạch được 20.340 ha vùng sản xuất tập trung (14.500 ha sản xuất trồng trọt, 312 ha sản xuất chăn nuôi, 5.528 ha sản xuất thủy sản) với giá trị sản xuất trung bình hiện hành đạt trên 250 triệu đồng/ha/năm. Các tổ chức, cá nhân trong vùng sản xuất được tập huấn và đã áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, an toàn.
Trồng lan công nghệ cao tại huyện Thủy Nguyên. Ảnh: Nông nghiệp
Song song với việc đầy tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sự gắn kết giữa người sản xuất với việc tiêu thụ thông qua các hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng bao tiêu nông sản hàng hóa về các loại rau củ, quả, thủy sản gia cầm và thịt lợn cũng đã hình thành, phát huy hiệu quả.
Qua chính sách thu hút đầu tư, tại Hải Phòng đã có 54 doanh nghiệp và tổ chức cá nhân tham gia vào liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm với 1.130 hộ vệ tinh, thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Hiện có 65 cửa hàng chuyên kinh doanh nông, lâm, thủy sản được cấp giấy chứng nhận an toàn; 125 cửa hàng hệ thống siêu thị (Vinmart của tập đoàn VinGroup, Big C, Co.op Mart...) tiêu thụ sản phẩm sản xuất nông lâm thủy sản của thành phố
Ông Nguyễn Đình Chuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, trong những năm tới, thành phố sẽ chuyển đổi mô hình tăng trưởng nông nghiệp theo nền nông nghiệp đa chức năng, an toàn thực phẩm, thân thiện môi trường tiêu chuẩn quốc tế, giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Phát huy lợi thế điều kiện tự nhiên, tiềm năng địa phương để liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Duyên hải Bắc bộ và hội nhập quốc tế. Đồng thời chú trọng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, cơ giới hóa, công nghệ thông tin theo hướng hiện đại để nâng cao giá trị gia tăng, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Kiến Thụy. Ảnh: Nông nghiệp
Còn chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn TP Hải Phòng sẽ được tiến hành phù hợp với chủ trương về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, tiến trình công nghiệp hoá và đô thị hoá của thành phố, chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị.
“Trong suốt quá trình lịch sử phát triển đất nước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là nguồn lực, lực lượng chính của cách mạng, có vị trí chiến lược lâu dài và là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của TP Hải Phòng. Và thành phố sẽ tiếp tục cải thiện chính sách thu hút doanh nghiệp nông nghiệp, nhất là nông nghiệp thông minh, vào đầu tư trên địa bàn”, ông Chuyến nhấn mạnh./.
Theo Nông nghiệp