Dịch bệnh Covid-10 đã quay trở lại Việt Nam sau 30 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng. Đây là một thử thách đối với hệ thống chính trị ở Trung ương và địa phương. Trong 3 đợt dịch trước, chúng ta đã thành công trong việc kiềm soát dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của, đạt được mức tăng trưởng dương hiếm hoi trên thế giới. Đó là nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của toàn thể nhân dân Việt Nam.
Tuy nhiên, bất chấp thực tế khách quan đó, một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho rằng, Việt Nam đã vi phạm một số quyền con người như quyền tự do đi lại, quyền được tôn trọng bí mật riêng tư…. trong thời gian chống dịch.
Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, ông Nguyễn Văn Kỷ- Phó Chánh văn phòng thường trực về nhân quyền cho rằng, người Việt Nam có truyền thống hết sức tốt đẹp là sống vì cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, tức là vì cái chung. Cả nước luôn đồng lòng chống dịch. Trong thời gian chống dịch, Nhà nước có thể hạn chế một số quyền của cá nhân. Ở một số vùng có dịch, người dân không thể tự do đi lại như trước. Việc hạn chế đó không chỉ bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng nói chung mà cho chính cá nhân đó. Đa phần người dân rất chia sẻ và phối hợp với các cơ quan chức năng, tạo ra được một mặt trận phòng chống dịch rộng rãi.
“Hạn chế một số quyền cá nhân trong thời gian chống dịch để đảm bảo quyền được khỏe mạnh, an toàn, quyền được sống thì tôi nghĩ người dân sẽ đồng hành với Chính phủ. Vậy giữa những quyền ấy thì quyền nào cao hơn? Người dân tự mình lựa chọn, tự giác lựa chọn, nghĩa là hy sinh một số nhu cầu trước mắt để đạt được mục tiêu tối thương”- ông Nguyễn Văn Kỷ chia sẻ.
Chánh văn phòng thường trực về nhân quyền Nguyễn Văn Kỷ cũng cho biết: “Trong đối thoại nhân quyền Việt Nam- Hoa Kỳ năm 2020, chúng tôi cũng nêu rất rõ. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh, vì lợi ích cộng đồng, lợi ích chung, một số quyền của cá nhân sẽ bị hạn chế trong những thời điểm nhất định, tập trung cho phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe cho người dân. Trong buổi đối thoại đó, phía Mỹ cũng nhận thức được vấn đề và cho rằng, việc làm như vậy của Việt Nam là phù hợp”.
Trên thực tế, trong thời điểm đầu năm 2020, khi dịch bệnh xảy ra, một số nước trên thế giới chủ quan, không phong tỏa, không giãn cách xã hội, không cách ly như Việt Nam nên dịch bệnh phát triển hết sức phức tạp và hậu quả để lại rất nặng nề, cả về y tế lẫn kinh tế- xã hội…
Chính vì thế, sau khi Việt Nam thực hiện có hiệu quả việc chống dịch, nhiều nước đã ca ngợi mô hình chống dịch ở Việt Nam, nghiên cứu và vận dụng một cách phù hợp. Họ cũng chấp nhận hạn chế một số quyền của người dân, thực hiện việc giãn cách để phòng chống dịch.
Từ Hoa Kỳ, chị Khanh Nguyễn Nye (người Việt đang sống và làm việc ở miền Bắc California) theo dõi rất sát quá trình chống dịch trong nước với sự cảm phục sâu sắc. Chị Khanh cho rằng, hệ thống chính trị ở Việt Nam được tổ chức chặt chẽ từ Trung ương tới địa phương nên quá trình truy vết các ca bệnh cũng dễ dàng hơn.
Về việc hạn chế một số quyền của người dân để phòng chống dịch, chị Khanh cho rằng, việc làm đó là cần thiết vì chỉ có như vậy mới dập dịch một cách nhanh nhất.
“Ở Mỹ, Tổng thống không thể ra lệnh giãn cách xã hội trên toàn Liên bang. Các thống đốc bang lại có quyền phủ quyết luật pháp liên bang. Đó là những khó khăn khi phòng chống dịch. Mỹ cũng có đạo luật về quyền riêng tư nên không thể vì một người nhiễm mà cách ly và phong tỏa toàn khu phố như ở Việt Nam. Chỉ riêng việc đeo khẩu trang thôi cũng còn khó áp dụng với tất cả mọi người”.
Chị Khanh cho biết như vậy và khẳng định, vấn đề quan trọng nhất là người Việt Nam có truyền thống chống ngoại xâm với tinh thần đoàn kết cao độ. Tinh thần ấy lại được phát huy khi thiên tai, dịch bệnh xảy đến và người dân đồng lòng thực hiện các biện pháp mà Chính phủ đưa ra.
Vậy, mục đích mà các tổ chức, cá nhân muốn vu cáo Việt Nam khi sử dụng các biện pháp chống dịch là gì? Phó Chánh văn phòng thường trực về nhân quyền Nguyễn Văn Kỷ khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam – người lãnh đạo toàn diện xã hội đã đưa đất nước đạt được nhiều thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, được nhân dân tin tưởng. Mục tiêu của họ là xuyên tạc thực tế đó, cho rằng, Đảng Cộng sản không lãnh đạo được đất nước, hạn chế quyền tự do, dân chủ của người dân. Mục tiêu cuối cùng là làm mất lòng tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước nhưng tôi nghĩ, mục tiêu của họ không đạt được”./.
Giáng Hương/VOV.VN