Người dân mua sắm tại siêu thị Hapro Khâm Thiên, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Mẫu mã đa dạng, giá cả cạnh tranh… nhiều sản phẩm “Made in Vietnam” ngày càng tạo được uy tín và được người tiêu dùng đánh giá cao.
Đây cũng là chiến lược “đi bằng hai chân” vừa đẩy mạnh xuất khẩu, tăng sự phủ sóng tại các kênh phân phối bán lẻ hiện đại và chợ truyền thống, khẳng định vị thế ngay trên sân nhà.
Chinh phục người dùng
Theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Phúc Sinh Group, hai năm vừa qua, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, song doanh nghiệp thành công nhất với mảng tiêu dùng nội địa, khách hàng biết đến nhiều hơn, doanh thu mảng tiêu dùng tăng trưởng mạnh, đạt kỷ lục từ khi thành lập. Đưa các sản phẩm lên trang thương mại điện tử “K Phúc Sinh” và được khách hàng đón nhận nồng nhiệt.
Kinh doanh lĩnh vực nông sản, hiện các mặt hàng của Phúc Sinh dần trở nên phổ biến và quen thuộc với người tiêu dùng trong nước. Với mục tiêu chinh phục thị trường nội địa, ông Phan Minh Thông cho hay, trong năm 2022, Phúc Sinh cần mở rộng diện tích và tăng công suất gấp đôi để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng lớn của người dân.
“Dự kiến 5-10 năm nữa, Phúc Sinh hướng tới một đại siêu thị khổng lồ với đầy đủ các mặt hàng thực phẩm thiết yếu cả trong và ngoài nước, mọi người có thể mua bất cứ thứ gì ở Phúc Sinh. Đồng thời, K Phúc Sinh sẽ lọt Top 10 trang thương mại điện tử để cung cấp thực phẩm nói chung và càphê, hạt tiêu nói riêng,” ông Phan Minh Thông nói.
Trong khi đó, các doanh nghiệp dệt may cũng rất thành công trong chiến lược chinh phục thị trường nội địa. Đơn cử các trường hợp thành công của May 10, Việt Tiến, Đức Giang, Nhà Bè, Hòa Thọ, Hanosimex, TNG… các doanh nghiệp này đã có những thương hiệu uy tín, đi vào lòng người tiêu dùng Việt và doanh thu nội địa mỗi doanh nghiệp tới hàng trăm tỷ đồng/năm.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ nếu 10 năm trước đây, người tiêu dùng Việt Nam chuộng sử dụng hàng may sẵn xuất xứ từ nước ngoài do giá rẻ, thì hiện nay không ít người chuyển sang lựa chọn hàng may mặc của Việt Nam để tìm đến các sản phẩm chất lượng hơn.
Với Vinatex, ngoài thị trường Hà Nội, tập đoàn đã định hướng mở rộng thêm các Trung tâm bán lẻ thời trang Vinatex sang các tỉnh thành phố khác như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng để người tiêu dùng Việt tìm đến với các sản phẩm sản xuất trong nước.
“Vinatex có chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp trong hệ thống tập đoàn tập trung phát triển thị trường nội địa, định hướng phát triển mạnh những thương hiệu cũ vốn đã có lợi thế trong tâm thức người tiêu dùng Việt, song song với đó là đầu tư vào các khâu thiết kế, marketing để phát triển những thương hiệu mới cho phù hợp với xu hướng tiêu dùng chung hiện nay, đẩy mạnh các kênh phân phối rộng khắp và đầu tư thêm về cơ sở thông tin cho kênh thương mại điện tử,” ông Cao Hữu Hiếu nói.
Nâng chất lượng, tăng "phủ sóng"
Theo một nghiên cứu gần đây của Công ty Đo lường toàn cầu Nielsen, sau dịch COVID-19, có 76% người tiêu dùng Việt Nam chuộng hàng nội địa, đặc biệt là những sản phẩm đã có thương hiệu, bảo đảm chất lượng và tốt cho sức khỏe.
Có được điều đó một phần nguyên nhân là do hàng Việt Nam ngày càng nâng cao sức cạnh tranh nhờ chất lượng vượt trội và giá hợp lý. Nhờ đó, tỷ lệ hàng hóa Việt Nam tại hệ thống phân phối đã và đang ngày càng tăng lên.
Thống kê từ Bộ Công Thương cũng cho thấy hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỷ lệ từ 90% trở lên. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên; tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao: Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vissan (95%), Vinmart (63% theo mã hàng)...
Tốc độ phát triển của các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi bán hàng Việt Nam tương đối nhanh: Saigon CoopMart mở được hơn 113 siêu thị trên toàn quốc, nâng tổng số điểm bán lẻ của thương hiệu này lên hơn 600 điểm.
Hàng tiêu dùng Việt chiếm thị phần cao tại các siêu thị. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Để có những thành công trên, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết ý thức của doanh nghiệp đã chuyển mạnh sang việc phải chinh phục được người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm, bằng ứng dụng khoa học-công nghệ, giải pháp quản lý tiên tiến để giảm giá thành, nâng cao chất lượng, mẫu mã và dịch vụ hậu mãi để phục vụ cho người dân ngày càng tốt hơn.
Đặc biệt, có những doanh nghiệp lâu nay vốn hướng đến thị trường xuất khẩu nay đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến thị trường trong nước bằng những hàng hóa đạt chuẩn của những quốc gia khó tính. Đồng thời, phát triển được mạng lưới phân phối tại thị trường trong nước hoặc kết nối thành công với những doanh nghiệp phân phối khác.
“Bản thân các doanh nghiệp cũng đã nhận thức được việc cần phải xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình; chủ động tham dự vào các sự kiện lớn về quảng bá hàng Việt Nam để quảng bá nhiều hơn cho hàng hóa trong nước tới người tiêu dùng trong nước cũng như kiều bào Việt Nam ở nước ngoài,” bà Lê Việt Nga nhấn mạnh.
Sự chuyển biến về nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam cũng được thể hiện rõ thông qua việc tích cực tham gia các hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.”
Đến nay, đã có gần 200 doanh nghiệp Việt Nam đạt giải thưởng sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt tiêu biểu hưởng ứng Cuộc vận động thuộc Đề án. Các doanh nghiệp Việt Nam được vinh danh, trao giải thưởng về sản phẩm, thương hiệu do các Bộ, ngành và các địa phương trao không ngừng nâng cao tiêu chí về sản xuất, chất lượng dịch vụ để giữ thương hiệu Việt.
Để tiếp tục hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, đại diện Bộ Công Thương cho biết thời gian tới, các đơn vị chức năng của bộ sẽ tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển công nghiệp hỗ trợ, cũng như tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.
Đặc biệt, việc chuyển đổi số thông qua ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường bằng các kênh phân phối hiện đại, kết hợp với thanh toán điện tử và giao vận hiện đại sẽ là một trọng tâm để giúp doanh nghiệp có thể tận dụng nhiều cơ hội về thị trường, thông qua đó tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm trong nước và nước ngoài; hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ Việt Nam chất lượng cao, được người tiêu dùng tin cậy, phù hợp với các cam kết quốc tế và các hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới…/.
Đức Duy (Vietnam+)