Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 13 địa phương trong vùng ĐBSCL đã xây dựng 16 đề xuất dự án với tổng mức đầu tư hơn 94.000 tỷ đồng. Để đánh thức tiềm năng khu vực ĐBSCL, Chính phủ đã đầu tư hạ tầng, phát triển cầu, đường cao tốc nối từ TP.HCM đến Cần Thơ và kết nối ĐBSCL, nâng cấp các đô thị hiện hữu.
Khi hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, nguồn vốn hỗ trợ kịp thời, thì những thế mạnh về nông nghiệp, du lịch, năng lượng tái tạo, bất động sản logistics, công nghiệp sẽ phát triển mạnh và gắn kết với liên kết vùng miền. Mặt khác, vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, sụt lún và hạn mặn đã tác động tiêu cực đến vùng.
Gánh vác trên vai sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực nhưng người dân vẫn nghèo
PGS.TS Trần Đình Thiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương cho rằng, cần phải nhận diện lại tương lai của ĐBSCL. Bởi vì bấy lâu nay chúng ta vẫn nhận diện theo nghĩa là vùng ĐBSCL là vùng đảm bảo an ninh lương thực và trong điều kiện hiện nay nếu tiếp tục nhận diện vấn đề như thế sẽ ảnh hưởng đến triển vọng, tương lai phát triển của vùng và câu chuyện này không chỉ riêng của vùng mà là việc của cả nước.
Vùng ĐBSCL với những lợi thế về đất đai màu mỡ, sông nước, phù sa và thời tiết thuận lợi nhưng những lợi thế này đang chuyển thành bất lợi làm thay đổi các điều kiện phát triển. Thực trạng rõ nhất là những thế mạnh về thủy sản, trái cây, lúa gạo và gánh vác trên vai sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực nhưng người dân vùng ĐBSCL thu nhập vẫn thấp hơn so với mức trung bình của cả nước. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là nguồn vốn đầu tư công và thu hút vốn FDI thấp hơn so với các vùng, miền; thách thức từ sạt lở bờ sông, bờ biển hay tình trạng di dân cũng ảnh hưởng đến phát triển của vùng và mối đe dọa đang hiện hữu là nguồn nước ngọt dồi dào đang suy giảm mạnh, ô nhiễm diện rộng, phù sa giảm và nước biển dâng.
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng: "Đô thị hóa ở Việt Nam đang cần rất nhiều vật liệu xây dựng và chúng ta đang phải đánh đổi điều ấy bằng các con sông và vùng đồng bằng này sẽ là vùng mà chịu gánh nặng ấy rất là ghê gớm. Tôi muốn nói ở đây là việc xây dựng hạ tầng phát triển không chỉ bằng xây dựng mà chúng ta phải tính đến sự đánh đổi và để làm như vậy thì ĐBSCL mới phát triển bền vững như chúng ta mong muốn".
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương Việt Nam nêu những vấn đề để thực hiện hóa khát vọng phát triển của vùng trong thời gian tới. Trong đó, vùng ĐBSCL phải trở thành trung tâm logistics mang tầm quốc tế, không chỉ kết nối trong vùng, kết nối với TP.HCM mà còn kết nối quốc tế. Ngoài ra, phát triển hạ tầng vùng ĐBSCL phải đặc thù, đặc biệt, thích ứng với biến đổi khí hậu và điều kiện hệ sinh thái cho phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa.
Phát triển hạ tầng cho ĐBSCL đã chậm trong nhiều năm qua và muốn vùng phát triển nhanh cần phải có cơ chế chính sách đặc biệt.
Tiến sĩ Võ Trí Thành nêu vấn đề: "Không chỉ câu chuyện xây dựng hạ tầng để thực hiện khát vọng phát triển cho ĐBSCL, cho toàn bộ vùng Nam bộ và đất nước. Đây là câu chuyện tri ân với ĐBSCL bởi vì chúng ta đã chậm trễ trong phát triển hạ tầng cho ĐBSCL trong rất rất nhiều năm qua. Và chúng ta cũng biết trong những năm qua cho đến gần đây thì hạ tầng ở ĐBSCL vẫn là chậm so với với nhiều vùng ở cả nước".
Hạ tầng vùng ĐBSCL còn yếu, thiếu đồng bộ
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL trở thành trung tâm kinh tế năng động và hiệu quả trong cả nước.
Theo ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, các dự án hạ tầng giao thông cấp vùng, các hệ thống giao thông huyết mạch, trục dọc và ngang, cầu vượt sông lớn được đầu tư, hình thành mạng lưới giao thông rộng khắp, vừa liên kết nội vùng, vừa liên kết với TP.HCM, vùng kinh tế trọng điểm. Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật vùng ĐBSCL còn yếu, thiếu đồng bộ và thiếu tính liên kết. Các dự án công trình đầu mối hạ tầng khung của vùng chưa được đầu tư đồng bộ, dẫn đến hiệu quả tính liên kết vùng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Theo ông Vinh: "Hạ tầng kỹ thuật cho vùng nói chung còn yếu, thiếu tính đồng bộ, thiếu tính liên kết. Chất lượng nội dung quy hoạch kỹ thuật trong một số đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật nhìn chung còn thấp và thiếu đồng bộ chưa đảm bảo ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Thứ hai tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan diễn biến ngày càng phức tạp tác động ngày càng lớn đến kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đô thị gây rất nhiều khó khăn cho công tác lập, triển khai quy hoạch và các dự án đầu tư, một số đô thị trong vùng còn có hiện tượng sụt lún nền đất, tình trạng ngập úng đô thị vẫn còn xảy ra như tại TP. Cần Thơ và Mỹ Tho".
Các địa phương phải dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - Tiền tệ Quốc gia - Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương cho rằng, từ nay đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam sẽ cần 25 – 30 tỷ USD đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Trong đó, ngân sách chỉ lo được khoảng 60% nhu cầu vốn, 40% vốn còn lại phải huy động từ nguồn lực bên ngoài. Riêng trong giai đoạn 2021 – 2025, Việt Nam cần 2 triệu tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng giao thông, trong đó, đường bộ chiếm 50% nhu cầu vốn.
Giai đoạn 2021 – 2025, vùng ĐBSCL được ưu tiên đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công 90.000 tỷ đồng với 11 dự án thành phần và nguồn vốn này cũng chỉ đáp ứng được phần nào trong tổng vốn đầu tư của cả vùng. Để vùng nhanh chóng phát triển thì các địa phương cần đẩy nhanh hoàn thành các quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Đồng thời, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn ODA.
Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng, năng lực thẩm định, thi công và quản lý các dự án, không để xảy ra việc đội vốn, chậm tiến độ và đẩy mạnh liên kết vùng. Đặc biệt là sự vào cuộc của các địa phương vì lợi ích phát triển chung của vùng ĐBSCL.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực nêu vấn đề: "Sau khi ban hành Nghị quyết 13, rồi Chính phủ ban hành chương trình hành động, Quốc hội ban hành Nghị quyết 45 chúng ta thấy rằng các địa phương vẫn chậm vào cuộc, nhất là cụ thể hóa chương trình hành động của mình như thế nào. Cái thứ hai là vẫn chậm về quy hoạch, cái ý cuối cùng là vai trò của địa phương rất quan trọng trong khâu thực thi chính sách của chúng ta. Thời gian vừa qua có rất nhiều Bộ, ngành, địa phương không dám nói, không dám làm sợ trách nhiệm, cái này Trung ương đã nhận diện rất rõ thời gian vừa qua và tôi hy vọng các địa phương sẽ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì cái chung tốt hơn thời gian tới".
Trong một thời gian dài hạ tầng giao thông chưa đồng bộ đã khiến vùng ĐBSCL bị tụt hậu so với các vùng kinh tế trọng điểm khác trên cả nước, hàng hóa nông sản chủ lực của vùng phải gánh chi phí logistics tăng cao, giảm sức cạnh tranh. Để tháo gỡ điểm nghẽn, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL trở thành trung tâm kinh tế năng động của cả nước.
Với sự quan tâm đầu tư, nhất là hệ thống giao thông khi hoàn thiện sẽ tạo động lực, thúc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân và phát triển vùng theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững./.
Phạm Hải/VOV-ĐBSCL