Chia sẻ về việc này, đại diện Chủ tịch UBND phường Nhật Tân cho biết, trong tuần, mỗi hộ dân có thể đi chợ 4 lần, luân phiên trong khung giờ nhất định theo ngày được chia trên phiếu. Buổi sáng từ 5 giờ 30 đến 6 giờ 30 và buổi chiều từ 15 giờ 30 đến 17 giờ.
Ngoài phát phiếu đi chợ, phường còn phát thẻ lao động cho các hộ gia đình, mỗi hộ một người được phép ra vào khu vực trồng đào để lao động, hạn chế người dân ra đường trong thời gian giãn cách xã hội.
Cũng có một số ý kiến cho rằng, quy định này chưa phù hợp lắm nên chúng tôi sẽ nghiên cứu, nếu phù hợp sẽ điều chỉnh để làm sao thuận lợi, an toàn nhất cho người dân...
Đi chợ là việc hàng ngày của mỗi người, mỗi nhà, vậy nên việc thay đổi thói quen, thời điểm và điểm mua hàng không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, mà điều quan trọng là giảm tiếp xúc với người khác để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Do đó, cũng dễ hiểu khi có quy định mới, về cơ bản người dân đồng tình ủng hộ và chấp hành nghiêm.
Ảnh minh họa: Internet
Từ thực tế này, tại cuộc họp của Thành ủy Hà Nội đánh giá tình hình, cho ý kiến chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã nghiên cứu triển khai ngay.
Đây là việc cần thiết bởi theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn thành phố có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hóa bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa...
Đây là những nơi rất dễ lây lan dịch bệnh nên vấn đề là phải kiểm soát tốt, đồng thời không làm ảnh hưởng hoặc xáo trộn quá lớn đến sinh hoạt, đời sống của người dân.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng nhấn mạnh thêm rằng, những ngày qua việc phòng chống dịch có nơi làm rất tốt nhưng cũng có nơi còn chưa thực hiện nghiêm, có hiện tượng chủ quan, lơ là.
Có hiện tượng người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chưa sâu sát, khiến công tác triển khai thực hiện theo Chỉ thị 17 của thành phố ở địa phương chưa đầy đủ, kịp thời, thiếu đồng nhất. Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức không chấp hành nghiêm yêu cầu giãn cách...
Nếu tiếp tục để tồn tại những vi phạm này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả phòng, chống dịch chung của thành phố, làm lãng phí “thời gian vàng” 15 ngày thực hiện giãn cách.
Cho nên, dù đi chợ - ngày thường là rất bình thường. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp cả về quy mô và mức độ nguy hiểm như hiện nay, việc kiểm soát chặt cả hoạt động vốn dĩ là bình thường này là điều cần thiết.
Mặc dù chưa quen và có những bất tiện nhất định nhưng vì cái chung, vì sự an toàn của xã hội - người dân sẵn sàng ủng hộ. Như chia sẻ của một tiểu thương tại chợ Nhật Tân thì đây là cách làm hay, giúp giãn cách người đi chợ đồng thời khiến cả người mua và người bán đều yên tâm hơn, cho dù việc buôn bán cũng ảnh hưởng ít nhiều.
Giải pháp đã có, điều quan trọng lúc này là ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, cái chính vẫn là ý thức chấp hành, tinh thần hợp tác của người dân - chung tay đẩy lùi dịch bệnh bằng những hành động thiết thực nhất./.
Theo Giáo dục và Thời đại