Còn nhớ tại COP26, Chính phủ Việt Nam đã có cam kết quan trọng là đến năm 2050 sẽ đưa mức phát thải ròng về 0. Rõ ràng, cam kết này đã thể hiện rất rõ ý chí và quyết tâm cao của Chính phủ trong việc đối phó, chống biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ, nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, mà Việt Nam nằm trong số những quốc gia được đánh giá là chịu tác động nặng nề.
Điều này cũng đồng nghĩa rằng, chúng ta không thể bàn lùi với tiến trình thực hiện cam kết. Và việc phát triển “DN xanh” là buộc phải làm. Tuy nhiên, để một DN được đánh giá là "DN xanh" cần phải dựa vào 3 yếu tố, tiêu chí chính bao gồm: tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường; tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường; tuân thủ về hồ sơ quản lý môi trường cùng các vấn đề liên quan khác. Việc trở thành DN xanh giúp cho bản thân DN có môi trường làm việc trong lành, giảm thiểu tối đa được những hệ lụy với môi trường sống, với xã hội, góp phần tạo thương hiệu và sự ủng hộ của người tiêu dùng.
Song, nói thì dễ - làm không đơn giản. Bởi chi phí cho chuyển đổi xanh vô cùng đắt đỏ nên không phải cứ muốn là làm được, dù thực tế hiện nay, mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các DN ở nhiều lĩnh vực khác nhau như ngân hàng, bất động sản, sản xuất nông nghiệp... Nhưng có không ít DN còn loay hoay ở vấn đề “đầu tiên - tiền đâu?".
Có thể lấy một ví dụ rất đời thường, ấy là chuyện phân loại rác tại nguồn. Trên địa bàn TP Hà Nội có nhiều đơn vị thu gom rác nhưng có lẽ chỉ có Urenco là thực hiện bài bản hơn cả. Thế nhưng đơn vị này cũng đang loay hoay với bài toán phân loại rác, vì để thực hiện được phải chuẩn từ khâu đào tạo nhân sự tới đồng bộ hệ thống thu gom, xử lý chất thải… nhưng kinh phí đâu ra? Thế mới có chuyện, người dân phân loại rác rồi nhưng khi mang ra cho đơn vị thu gom thì các túi phân loại đều được gom vào một thùng. Vậy là nỗ lực của họ thành “xôi hỏng bỏng không”.
Câu hỏi được đặt ra, nếu không có kinh phí hoặc kinh phí ít thì không làm ư? Vậy cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 có thực hiện được? Lại nhớ, các cụ xưa có câu “lựa cơm gắp mắm”, khi kinh tế còn khó khăn thì chúng ta cần tìm cách để tháo gỡ, có giải pháp thực hiện phù hợp với thực tế hoàn cảnh.
Ví dụ, với những DN nhỏ và vừa, không có vốn đầu tư các dự án chuyển đổi lớn đòi hỏi nhiều nguồn lực, DN có thể bắt tay thực hiện chuyển đổi xanh trong những hoạt động đầu tư phù hợp với đặc thù mô hình sản xuất và quy mô DN. Đơn giản nhất là những hành động bảo vệ môi trường như giảm thiểu rác thải nhựa, tiết kiệm nước, điện… không tốn kém quá nhiều chi phí mà lại có thể thực hiện ngay và thực hiện hằng ngày được.
Do đó, để chuyển đổi xanh, quan trọng nhất với DN hiện nay là chuyển đổi nhận thức một cách có hệ thống từ lãnh đạo đến người lao động và toàn thể cộng đồng. Bên cạnh đó, là sự vào cuộc tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành, tổ chức trong việc đưa ra giải pháp cho bài toán về vốn, chi phí đầu tư, doanh thu, lợi nhuận khi chuyển sang con đường tăng trưởng xanh. Chúng ta sẽ làm được, nếu đồng lòng và quyết tâm, đừng lãng phí cơ hội và nguồn lực để chậm tiến trình chuyển đổi, phát triển “DN xanh” , bởi lẽ hậu quả của biến đổi khí hậu là không thể đo đếm, chúng ta cần hành động trước khi quá muộn.