Sau gần 2 tháng, hình ảnh quán phở, quán bún mở cửa trở lại vừa quen vừa lạ.
Cũng vẫn những cửa hàng, món ăn quen thuộc trên những con phố quen thuộc đó, nhưng sau một thời gian “ngủ yên” giờ mới tỉnh giấc, cảm giác như mọi thứ thật lạ lẫm.
Tại Hà Nội, từ 12 giờ ngày 16.9, 19 quận, huyện, thị xã chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng từ ngày 3.9 được mở lại một số cơ sở kinh doanh như văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày.
Trước đó vài ngày, khu vực “vùng xanh” Long Biên đã mở cửa bán hàng ăn mang về nhà, người dân xếp hàng dài chờ mua những món ăn đã phải “nhịn” khá lâu.
Tại 19 khu vực vùng xanh, người dân cũng không cần giấy đi đường.
Tại TP Hồ Chí Minh, ngoài việc cho phép mở lại dịch vụ ăn uống theo hình thức bán mang về, thành phố còn cho hoạt động trở lại các công viên tại các khu chung cư, nhà ở tại vùng xanh nếu bảo đảm an toàn.
Sáng 15.9, dù trời mưa nhưng nhiều người dân Hải Phòng vẫn đội mưa đi ăn những món ăn sáng quen thuộc khi các hàng quán được mở cửa trở lại và bán tại chỗ.
Mở cửa hàng quán, dịch vụ ăn uống là điều dễ nhìn thấy nhất trong hành trình thận trọng trở lại cuộc sống bình thường mới ở các địa phương Việt Nam.
Để có được bước đầu tiên đó, nhiều nơi đã thực hiện chiến dịch xét nghiệm, tiêm chủng trên diện rộng, với quy mô và tốc độ chưa từng có.
Chiều 8.9, khi Hà Nội đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 100% người dân trên 18 tuổi và xét nghiệm toàn thành phố, không ít ý kiến tỏ ra hoài nghi tính khả thi của mục tiêu tham vọng đó. Lúc đó, Hà Nội mới tiêm được khoảng 2,8 triệu mũi vaccine COVID-19, thuộc nhóm địa phương có tốc độ tiêm chủng chậm nhất cả nước.
Tuy nhiên, từ ngày 8.9, tốc độ tiêm chủng đã được đẩy nhanh hết mức có thể. Tới tối 15.9, Hà Nội đã tiêm được hơn 5,1 triệu mũi vaccine, đạt tiến độ 87,5% trong tổng số liều vaccine được cấp. Tính từ ngày 9.9 đến sáng 15.9, toàn thành phố đã xét nghiệm được 3,26 triệu mẫu, phát hiện được một số F0. Kết quả trên cho thấy nỗ lực và tốc độ thần tốc của thành phố trong tiêm chủng và xét nghiệm - hai trong số những “vũ khí” quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19.
Tiêm chủng ở TP Hồ Chí Minh, một trong những điểm nóng dịch bệnh của cả nước, cũng đạt tiến độ thần tốc không kém với trên 8,3 triệu liều vaccine đã được tiêm tính tới 14.9. Sắp tới, TP Hồ Chí Minh cũng thí điểm thẻ xanh COVID-19 tại 5 đơn vị chọn lọc.
Xét theo dự thảo lộ trình 4 bước để trở lại trạng thái bình thường mới của Bộ Y tế, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mới đang chỉ dừng ở bước đầu, tức là rà soát nguy cơ, tỷ lệ tiêm chủng và điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch để phân loại thành 4 vùng: nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ, bình thường mới.
Còn để đi được tới bước 2 (Chỉ thị 15), bước 3 (Chỉ thị 19) và bước 4 (bình thường mới), chúng ta sẽ phải nỗ lực rất nhiều và cần nhiều thời gian hơn. Trong mỗi bước đi đó, sẽ cần rất nhiều yếu tố mà trong đó ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân là một trong những điều quan trọng nhất.
Hiện nay, đa số người dân trên 18 tuổi mới chỉ tiêm một mũi vaccine và chỉ như vậy thì chưa đủ để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Khi các vùng xanh đã được mở cửa một số dịch vụ, người dân có thể đi lại mà không cần giấy đi đường, đây là chính là thời điểm nhạy cảm và quan trọng, quyết định sự thành bại của công tác chống dịch trước mắt. Nếu có những cá nhân chủ quan vì ở vùng xanh, không chấp hành quy tắc 5K hay 5T, tự cho phép mình giải phóng bản thân sau những ngày gò bó, thì có khả năng cao họ sẽ góp phần biến vùng xanh thành vùng vàng, vùng cam và vùng đỏ lúc nào không hay.
Bài học từ các quốc gia cho thấy kể cả khi đã phủ 2 mũi vaccine cho phần lớn dân số, nếu mở cửa ồ ạt, dỡ bỏ toàn bộ biện pháp phòng chống COVID-19, số ca mắc mới sẽ nhanh chóng tăng lên, đẩy họ trở lại vạch xuất phát. Israel, Anh hay Mỹ đều phải áp dụng trở lại các biện pháp phòng chống dịch, thậm chí phải thực hiện các biện pháp mạnh hơn.
Có thể khẳng định vaccine quan trọng nhưng không phải là vũ khí toàn năng chống COVID-19, đặc biệt là khi xuất hiện biến thể Delta và nhiều biến thể khác mà chưa ai lường trước được. Bản thân người đã tiêm chủng đầy đủ sẽ được vaccine bảo vệ khỏi nguy cơ bệnh nặng và tử vong, nhưng người đó vẫn có thể mắc COVID-19 và lây cho những đối tượng không thể tiêm vaccine vì lý do y tế hoặc chưa đến lượt tiêm vaccine như người dưới 18 tuổi.
Như vậy, chỉ khi nào vừa bảo vệ được bản thân và vừa bảo vệ được cộng đồng thì khi đó, ta mới có thể hy vọng vào ba chữ “bình thường mới”.
Khi mọi hoạt động sinh hoạt, học tập, làm việc đều diễn ra trong bốn bức tường một thời gian dài, tâm lý gò bó, ngột ngạt, tù túng là dễ hiểu. Dù vậy, nếu nhìn theo khía cạnh tích cực, đây cũng có thể được coi là cơ hội để mỗi người tự điều chỉnh cuộc sống, tập thói quen “ít tụ tập”. Để rồi khi mọi thứ đều “xanh” với vùng xanh, thẻ xanh, người ta sẽ vẫn thận trọng với “bình thường mới”. Các cuộc hội họp có thể sẽ không còn đông như trước, đám cưới có thể không có cả nghìn mâm cỗ, đám ma có thể không kéo dài mấy ngày…
Với người này, bình thường mới có thể là cùng bạn bè, người thân ăn uống tại nhà hàng, xem phim, du lịch; với người khác, bình thường mới nghĩa là con cái lại được tới trường; với người khác nữa, bình thường mới là được trở lại làm việc, mưu sinh như trước… Dù khái niệm bình thường mới là gì đi chăng nữa thì ở nhiều nơi, hành trình tới đó vẫn là một quãng đường không dễ đi, cần sự cố gắng của cả người dân và chính quyền.
Theo Báo Tin tức