Một trong số những người bạn của tôi tham gia hoạt động thiện nguyện trong một nhóm gần 30 thành viên (hầu hết là người trẻ, có độ tuổi từ 25 - 40) đã được hơn 5 năm. Có người là cán bộ, có người kinh doanh, buôn bán tự do... Họ có chung một tấm lòng muốn san sẻ với những người khó khăn hơn mình. Nhóm của họ đã kêu gọi vận động được hàng trăm triệu đồng và nhiều nhu yếu phẩm, trao tặng cho những hoàn cảnh khó khăn. Nhưng bạn tôi nói, làm từ thiện không hề đơn giản.
Dù số tiền và quà nhiều hay ít cũng đều phải tuân thủ nguyên tắc bất di bất dịch là "minh bạch". Để duy trì hoạt động, họ đã họp, chọn cử một nhóm những người am hiểu về tài chính, có kỹ năng và kinh nghiệm điều phối, quản lý nguồn tiền hỗ trợ. Mọi hoạt động của nhóm đều phải tuân thủ quy định công khai để bảo đảm hoạt động hỗ trợ, từ thiện minh bạch, rõ ràng, đúng địa chỉ. Họ có fanpage, có nhóm Zalo để công khai thông tin, hoạt động. Mọi hình ảnh trao tặng, hỗ trợ đều được chụp lại, lưu giữ, chia sẻ trong toàn nhóm.
Khi tôi tới công tác ở nhiều đơn vị, địa phương, không ít nơi đã phàn nàn rằng sao hỗ trợ bà con chút kinh phí mà nhiều thủ tục quá. Khi ấy những người làm hoạt động từ thiện như bạn tôi chỉ biết động viên nhau cố gắng làm đúng quy chế mà nhóm đề ra để bảo đảm nguồn tiền ủng hộ của các tổ chức, cá nhân đến được đúng người, được giám sát, quản lý chặt chẽ. Vì vậy, sau mỗi đợt quyên góp, ủng hộ, nhóm đều tổng kết chi tiết, báo cáo ghi chép đầy đủ, cụ thể danh sách người ủng hộ; tên, tuổi, địa chỉ người nhận ủng hộ; xác nhận của chính quyền địa phương có tổ chức, cá nhân được ủng hộ. Vất vả nhưng họ làm việc được cùng nhau lâu dài, hiệu quả chính vì minh bạch.
Hiện có không ít nhóm thiện nguyện đang hoạt động, là nơi hội tụ những người hảo tâm chuyên giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn. Ngoài việc trực tiếp đóng góp gây dựng quỹ, thành viên các nhóm cũng kêu gọi, vận động trên các trang mạng xã hội, qua các mối quan hệ với các nhà hảo tâm. Và đáng tiếc, cũng đã có những câu chuyện lùm xùm liên quan đến công khai, minh bạch trong thu góp, phân chia. Có nhóm đã sớm giải tán một phần cũng vì nguyên nhân trên. Có nhóm phải chấn chỉnh, thay người quản lý tài chính…
Hoạt động từ thiện của các nhóm thiện nguyện đều là tự phát và tùy tâm. Để vận động được nguồn đóng góp ủng hộ đã khó, việc quản lý tài chính sao cho minh bạch, rõ ràng còn khó hơn. Những tranh luận gần đây về câu chuyện “sao kê” tiền quyên góp từ thiện của giới nghệ sĩ phần nào phản ánh sự băn khoăn về nguồn tiền và việc sử dụng tiền quyên góp ủng hộ của các tổ chức, cá nhân về các hội, nhóm thiện nguyện để họ thay mình làm công việc từ thiện.
Mặc dù nhiều nhà tài trợ không đòi hỏi chi tiết nguồn tiền ủng hộ của họ đã trao tặng cho những ai nhưng người làm từ thiện, người vận động từ thiện phải có trách nhiệm giải trình từng khoản thu - chi. Việc minh bạch đó trước hết là bảo vệ chính họ không bị vướng vào những đồn đoán thị phi hay cám dỗ của đồng tiền, sau là đáp lại sự tin tưởng của các tổ chức, cá nhân đã trao gửi nơi họ, bảo đảm nguồn tiền, hiện vật được đến đúng người, đúng mục đích như lời kêu gọi của các tổ, nhóm thiện nguyện.
Trong bối cảnh đất nước còn khó khăn, hoạt động từ thiện, chăm lo cho những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, những mảnh đời bất hạnh... là điều vô cùng quý giá. Những người thực sự có tâm với cộng đồng vẫn âm thầm tiếp tục công việc thiện nguyện nhưng họ biết tạo niềm tin, bảo đảm sự minh bạch trong hoạt động./.
Theo Báo Hải Dương