Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định chủ trương xây dựng nền ngoại giao toàn diện và hiện đại, thực hiện nền ngoại giao toàn diện dựa trên ba trụ cột: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.Theo đó, đối ngoại của Đảng được xác định có vị trí đặc biệt quan trọng, khẳng định vị thế và tính chính danh của Đảng, là lực lượng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo đất nước Việt Nam.
Tại Đại hội XIII vừa qua, Đảng ta cũng đã nhận được 368 thư, điện chúc mừng của các đảng, các tổ chức, đoàn ngoại giao và bạn bè quốc tế từ 93 quốc gia trên khắp các châu lục. Điều đó đã khẳng định vị thế và uy tín của Đảng ta đang được nâng lên trong sự nhìn nhận của bạn bè quốc tế.
Trên thực tế, hoạt động đối ngoại của Đảng đã được triển khai từ sớm, Đảng ta đã chủ động tham gia và có những đóng góp tích cực vào các diễn đàn đa phương chính Đảng.
Kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương, phóng viên VOV phỏng vấn ông Ngô Lê Văn, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương.
PV: Vào tháng 9/2000, Hội nghị quốc tế các chính đảng châu Á viết tắt là ICAPP được hình thành, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tham gia hội nghị ngay từ khi tổ chức này được thành lập. Ông có thể cho biết rõ hơn về những đóng góp của Đảng ta khi những lần tham gia hội nghị này?
Ông Ngô Lê Văn: Với chủ trương Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Đảng ta đã tham gia ICAPP ngay từ những ngày tổ chức này mới thành lập.
Kể từ khi hội nghị lần thứ 3 cho đến nay, đại diện của Đảng ta liên tục được bầu thành viên Ủy ban thường trực của ICAPP. Với vai trò là thành viên của Ủy ban này, Đảng ta đã tham gia rất chủ động, rất tích cực, hiệu quả và có nhiều đóng góp trực tiếp vào thúc đẩy các định hướng hoạt động của ICAPP, thúc đẩy xu thế hợp tác giữa các chính đảng Châu Á, đồng thời góp phần kết nối sự hợp tác giữa các chính đảng châu Á với các chính đảng tại các khu vực khác.
Chúng ta cũng đã đăng cai và tổ chức rất thành công cuộc họp của Ủy ban Thường trực ICAPP lần thứ 19 tại Hà Nội năm 2013, đây cũng là đóng góp cụ thể của chúng ta vào tổ chức các hoạt động của ICAPP.
PV: Trước đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã cử các đoàn tham dự Diễn đàn Sao Paulo từ năm 1992. Với việc tham gia diễn đàn có quy mô lớn nhất của các Đảng Cộng sản, công nhân, cánh tả tại khu vực Mỹ Latinh như vậy thì điều này thì có ý nghĩa như thế nào?
Ông Ngô Lê Văn: Trước hết, phải nói Sao Paulo là diễn đàn của các Đảng Cộng sản, công nhân, cánh tả tại khu vực Mỹ Latinh được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1990 tại thành phố Sao Paulo của Brazin. Đảng ta liên tục được mời tham dự từ năm 1992 đến nay và một trong số ít các Đảng là khách mời của diễn đàn.
Nhìn chung các chính đảng tại Mỹ Latinh đều bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của ta trước đây, cũng như những thành tựu trong công cuộc đổi mới của chúng ta hiện nay. Những kinh nghiệm đổi mới của Việt Nam được nhiều đảng cánh tả hết sức quan tâm và mong muốn học hỏi, đặc biệt là trong những vấn đề về kinh nghiệm cầm quyền, quản lý kinh tế xã hội, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Sự có mặt của Đảng ta tại diễn đàn này và những chia sẻ kinh nghiệm của chúng ta tại diễn đàn về công cuộc đổi mới luôn luôn nhận được sự chào đón hết sức trân trọng của các đảng tại khu vực. Các đảng coi đây như là một đóng góp quan trọng cho diễn đàn và là sự động viên, cổ vũ cho các Đảng cánh tả tại Mỹ Latinh.
PV: Không chỉ tham gia các diễn đàn đa phương mà Việt Nam còn chủ động đăng cai tổ chức hội nghị của các Đảng Cộng sản. Điển hình là năm 2016, Việt Nam đã đăng cai tổ chức cuộc gặp quốc tế các Đảng Cộng sản và công nhân lần thứ 18. Ông có cho rằng việc làm này đã thể hiện sự đóng góp tích cực của Việt Nam trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế?
Ông Ngô Lê Văn: Cuộc gặp quốc tế các Đảng Cộng sản, công nhân là cơ chế đa phương quan trọng nhất của các Đảng Cộng sản, công nhân quốc tế, được tổ chức lần đầu tiên năm 1998 tại thủ đô Aten của Hy Lạp.
Hiện nay, cơ chế này có trên 300 thành viên đến từ khắp các châu lục trên thế giới. Cơ chế này được tổ chức mỗi năm một lần. Đây cũng là dịp để các đảng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và định ra phương hướng, biện pháp hành động chung cho các đảng.
Đảng ta tham gia ngay từ đầu thành lập, đặc biệt là năm 2016, Đảng ta lần đầu tiên đăng cai tổ chức cuộc gặp lần thứ 18 tại Hà Nội. Cuộc gặp này có sự tham dự của 57 Đảng Cộng sản và công nhân đến từ 48 nước trên thế giới. Với vai trò điều phối và chủ trì của Đảng ta, cuộc gặp đã ra được văn kiện chung, dưới hình thức là lời kêu gọi.
Phải nói đây là một bước đột phá của phong trào, bởi lẽ 5 kỳ họp liên tiếp trước đó đều không thông qua được văn kiện chung, đây là đóng góp rất tích cực và quan trọng của Đảng ta trong việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau để củng cố khối đoàn kết thống nhất trong phong trào cộng sản công nhân quốc tế.
PV: Hiện nay, Đảng ta có quan hệ với gần 250 chính đảng, và ngay tại Đại hội XIII vừa qua, Đảng ta đã nhận được 368 thư, điện chúc mừng của các đảng, các tổ chức, đoàn ngoại giao và bạn bè quốc tế từ 93 quốc gia trên khắp các châu lục. Trong bối cảnh Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất cầm quyền ở Việt Nam thì việc mở rộng và tham gia đối ngoại của Đảng như vậy có ý nghĩa như thế nào?
Ông Ngô Lê Văn: Đối ngoại Đảng là một trong ba trụ cột của ngoại giao Việt Nam, tạo ra thế ba chân kiềng vững chắc, tạo thành 3 mũi giáp công của mặt trận đối ngoại. Việc mở rộng quan hệ đối ngoại của Đảng có ý nghĩa rất quan trọng. Qua đó, ta cũng tranh thủ được sự hậu thuẫn chính trị của bạn bè quốc tế đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta.
Các hoạt động đối ngoại của Đảng đã góp phần gia tăng vị thế, uy tín của Đảng ta trên trường quốc tế là nâng cao tính chính danh và nhận thức đúng đắn về vai trò lãnh đạo của Đảng ta.
Hầu hết tất cả các nước trên thế giới, hay các chính đảng không phân biệt khuynh hướng chính trị, tư tưởng chính trị ngày càng nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn, toàn diện hơn về vai trò lãnh đạo cầm quyền của Đảng ta và mong muốn tăng cường quan hệ với Đảng ta, coi trọng, cam kết tôn trọng thể chế chính trị của chúng ta.
PV: Xin cảm ơn ông.