Sau những tranh cãi và bức xúc của dư luận, trong ngày làm việc thứ hai của tuần giãn cách mới, Thành phố Hà Nội đã chính thức thông báo về việc hủy bỏ những giấy tờ không cần thiết để tạo thuận lợi cho những ai cần phải đến cơ quan, công sở hay doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Chỉ một ngày trước đó, nóng rẫy trên mạng xã hội là những “tiếng thở dài” về sự phiền phức, nhiêu khê khi triển khai một quyết định hỏa tốc ban hành vào tối muộn ngày cuối tuần. Người dân gặp khó, người thực thi công vụ lúng túng. Chưa biết hiệu quả của “biện pháp siết chặt” ra sao, chỉ thấy nỗi bất an khi người người dồn ứ tại các chốt kiểm dịch hay trụ sở phường xã, đi ngược với yêu cầu giãn cách mà Thủ đô đang thực hiện.
Hà Nội đang tận dụng “thời điểm vàng” để khoanh vùng, dập dịch. Đúng!
Hà Nội hạn chế tối đa người và phương tiện ra đường. Đúng!
Hà Nội rút kinh nghiệm các địa phương khác, quyết tâm bảo vệ “thành trì” trước sự “xâm lấn” mạnh mẽ của dịch bệnh, “phòng còn hơn chống”. Đúng!
Mục tiêu đó người dân ủng hộ giống như họ đã từng “ở yên trong nhà” khi thực hiện giãn cách toàn quốc. “Ở yên trong nhà”- ngoại thành còn có chỗ hít thở. Với dân nội đô, dân phố cổ, dân tạm cư thuê trọ trong những căn nhà chật chội, không ánh sáng, "ở yên trong nhà" với họ là một sự cố gắng rất đáng khen ngợi.
Ở lần dịch bệnh thứ tư bùng phát, trước những mất mát to lớn về người và của ở các địa phương phía Nam, người Hà Nội, không ai bảo ai, đã sẵn tâm lý phòng thủ, cẩn trọng. Không tranh cướp hàng hóa, không đầu cơ, tích trữ, không “mua chui, bán chui” như đã từng xảy ra.
Thành phố hơn 8 triệu dân đã bình tĩnh hơn nhiều so với các lần bùng phát trước. Họ chấp nhận, chịu đựng để bảo toàn tính mạng. Thậm chí, ở những khu dân cư, người dân sẵn sàng tự bảo vệ mình bằng việc thiết lập các “vùng xanh an toàn”, tự phân công nhau kiểm soát người và phương tiện ra vào. Tinh thần chống dịch ấy rất đáng biểu dương, dù có gây bất tiện, làm cho cuộc sống của không ít người bị đảo lộn.
Bởi vậy, những ai buộc phải ra đường lúc này cũng là vì nhiệm vụ. Một tờ giấy thông hành theo mẫu của thành phố cùng với giấy tờ tùy thân, thiết tưởng đã là sự “bảo lãnh” để xác nhận người đó ra đường với lý do chính đáng. Khi “vẽ” thêm những “giấy phép con” như lịch làm việc, lịch phân công công tác, xác nhận của phường, xã cho từng cá nhân… khác gì “mua” thêm việc cho cơ quan thực thi công vụ. Người dân “chạy ngược, chạy xuôi” trong điều kiện giãn cách để xin “giấy phép con” vừa lãng phí thời gian, vừa nguy cơ làm lây lan dịch bệnh.
Tất nhiên, với những trường hợp lách luật, cố tình ra đường cho những mục tiêu "không thiết yếu" thì phải xử lý nghiêm để đảm bảo sự công bằng cho các cá nhân, tổ chức.
Trước khi ban hành một quyết định liên quan đến hàng triệu người dân như vậy, thiết nghĩ, phải đánh giá hết, lường hết những phiên phức mà người dân sẽ gặp phải. Một cơ quan hành chính ở cấp thành phố, nhất lại là Thủ đô, mỗi quyết định ban hành ra rồi lại phải sửa trong thời gian ngắn như vậy, không thể nói là “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”.
Trong Nghị quyết mới nhất của Chính phủ về các biện pháp cấp bách chống dịch đã chỉ rõ, việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phải bám sát thực tiễn với tinh thần “hiệu quả trên hết”.
Vâng, bám sát thực tiễn để đưa ra những quyết định phù hợp.
Hãy phòng, chống dịch bằng những quyết định thận trọng!
Người dân chẳng mong gì hơn thế./.
Giáng Hương/VOV.VN