Cải cách tư pháp là vấn đề hết sức hệ trọng, liên quan đến các thể chế chính trị, quyền con người, quyền công dân và sự ổn định phát triển của đất nước. Một nền tư pháp vững mạnh là nền tư pháp ở đó trước hết tính tuân thủ pháp luật của hoạt động tố tụng phải đặt lên hàng đầu, để thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do dân và vì dân".
Niềm tin vào tư pháp là một bộ phận hữu cơ của niềm tin vào chế độ
Tuy vậy, nhiều ý kiến cũng chỉ rõ, hoạt động của Tòa án, Viện Kiểm sát còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Đó là, vẫn còn một số trường hợp án phải hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan; một số vụ án hình sự áp dụng sai tội danh, hình phạt, cho hưởng án treo chưa chính xác; một số vụ án kinh doanh thương mại giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp, thời gian giải quyết còn dài; một số vụ án hành chính xét xử chưa kịp thời, dư luận chưa đồng tình, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các loại án có nhiều chuyển biến tích cực so với đầu nhiệm kỳ nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao…
Ông Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cho rằng, niềm tin vào tư pháp là một bộ phận hữu cơ của niềm tin vào chế độ. Những điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán có vinh dự gánh trọng trách giữ vững niềm tin của Nhân dân vào chế độ thông qua hoạt động tố tụng. Muốn vậy, họ phải giữ được sự liêm chính như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Do đó, công bằng phải được bảo đảm bằng công lý và đó là nhiệm vụ chủ yếu của ngành tư pháp:
Theo ông Nghĩa, để giữ được liêm chính thì phải “dưỡng liêm”. Nếu thẩm phán và kiểm sát viên có đức, có tài thì ông tin rằng, cử tri và nhân dân sẽ có được điều mà họ luôn mong ước. Đó là người lương thiện, người vô tội chắc chắn sẽ được công lý bảo vệ.
Để ngành tư pháp, trong đó có Tòa án và Viện kiểm sát thực sự liêm chính trong bảo vệ và thi hành pháp luật, ông Nguyễn Văn Chiến, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội kiến nghị, cần cải cách hành chính một cửa để từ đó người dân thấy rằng, giữa tòa án với người dân là gần gũi, thân thiện và người dân tin tưởng để nhờ Tòa án giải quyết và từ đó nâng cao vị thế uy tín của hệ thống cơ quan tư pháp và đặc biệt ngành Tòa án.
Cần tập trung giám sát về lĩnh vực tư pháp
Nhiều ý kiến cũng đề nghị, trong hoạt động giám sát của Quốc hội Khóa XV, Quốc hội cần cần tập trung giám sát về lĩnh vực tư pháp, hiệu quả hơn, từ công tác điều tra, truy tố, xét xử đến thi hành án.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, các cơ quan hoạt động tư pháp phải quán triệt, thi hành đúng pháp luật, bảo đảm công bằng công lý, quyền con người và quyền công dân một cách nghiêm túc, đảm bảo được tính độc lập của hoạt động tư pháp. Quốc hội cần tăng cường giám sát hoạt động tư pháp, nhất là các vụ việc, vụ án lớn, dư luận đặc biệt bức xúc, quan tâm. Quốc hội cần yêu cầu báo cáo đầy đủ từng vụ việc.
Ông Nguyễn Duy Hữu, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Đắk Lắk cho rằng, để hoạt động tư pháp đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, Quốc hội khóa XV cần quan tâm hoàn thiện những văn bản luật về tố tụng và tổ chức bộ máy, chế độ chính sách cho các cơ quan tư pháp và cán bộ tư pháp
Rõ ràng, chỉ khi có hệ thống tư pháp, hành pháp thật sự hoàn thiện, hoạt động hiệu quả, cơ chế dân chủ được bảo đảm, một hệ thống pháp luật hiện đại, khoa học được xây dựng và đi vào cuộc sống, mới bảo đảm một chính quyền thật sự là của nhân dân./.
Đỗ Minh/VOV1