Cụ thể, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá An Hòa kết hợp cảng cá Tam Quang được nâng cấp, mở rộng có tổng đầu tư trên 426 tỷ đồng. Theo đó, khi hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2025, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá An Hòa có tổng diện tích 140 ha, đảm bảo chỗ neo đậu cho 1.200 tàu cá có công suất từ 300 CV đến trên 1.000 CV của ngư dân tỉnh Quảng Nam và các tỉnh lân cận vào tránh trú an toàn trong mùa mưa bão, kết hợp phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, phục vụ cho ngư dân khai thác trên biển.
Trong khi đó cảng cá Tam Quang được nâng cấp là cảng liền bờ, có khả năng cho tàu cá trên 1.000 CV vào tiêu thụ sản phẩm và được cung cấp vật tư, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nước ngọt.
Công trình này có khả năng tiếp nhận hàng nghìn tàu thuyền các loại và neo đậu, tạo nên chuỗi liên hoàn dịch vụ hậu cần nghề cá. Đây được xem là điểm nhấn trên lộ trình hoàn thiện cơ sở hậu cần nghề cá hiện đại của tỉnh Quảng Nam, đáp ứng mục tiêu phát triển để khai thác hải sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đây là hai trong số các công trình nằm trong Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 3/7/2024 do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký.
Quy hoạch nêu rõ, cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá là bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng thủy sản, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược, cần đầu tư phục vụ hoạt động khai thác thủy sản hiệu quả, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, gắn với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến, những năm qua, hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đã từng bước phát triển cả về số lượng và quy mô, bước đầu đáp ứng được mục tiêu phát triển theo quy hoạch được duyệt, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, góp phần hội nhập kinh tế quốc tế, chống đánh bắt bất hợp pháp (IUU) khắc phục cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban Châu u đối với thủy sản Việt Nam.
Đến nay, có 92/125 cảng cá đã được đầu tư, nâng cấp; trong đó, mới có 76 cảng cá trên địa bàn 26 tỉnh, thành phố được công bố mở theo Luật Thủy sản và Nghị định số 26/2019/NĐ-CP gồm: 3 cảng cá loại I; 58 cảng cá loại II; 15 cảng cá loại III, với quy mô 9.298 lượt tàu/ngày. Tổng công suất lượng hàng thủy sản qua cảng thiết kế khoảng 1,8 triệu tấn/năm; các cảng cá còn lại đang trong quá trình xây dựng hoặc hiện tại chưa đủ điều kiện thực hiện việc công bố mở cảng theo quy định của Luật Thủy sản 2017.
Ngoài ra, có 83/146 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá được đầu tư, nâng cấp; trong đó, có 75 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá được Bộ NN&PTNT công bố đủ điều kiện hoạt động, với sức chứa khoảng 50.000 tàu cá.
Chia sẻ về Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, Cục trưởng Cục Thuỷ sản Trần Đình Luân cho biết: Theo quy hoạch, đến năm 2030, toàn quốc có 173 cảng cá, gồm: 39 cảng cá loại I, 80 cảng cá loại II, 54 cảng cá loại III. Hệ thống cảng cá đảm bảo thông qua khoảng 2,98 triệu tấn thủy sản mỗi năm (gồm 100% sản lượng hải sản khai thác và một phần sản lượng nuôi trồng thủy sản trên biển); đảm bảo thực hiện công tác quản lý nghề cá, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, ngăn chặn các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp. Đồng thời, có 160 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, gồm 30 khu cấp vùng, 130 khu cấp tỉnh, đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng 90.600 tàu cá.
Trong đất liền, có 141 cảng cá đáp ứng tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng 2,75 triệu tấn/năm và 125 khu neo đậu tránh trú bão đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng 73.940 tàu cá. Tại các đảo, có 32 cảng cá đáp ứng tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng 233 ngàn tấn/năm và 35 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng 16.660 tàu cá.
Theo Quy hoạch, thời kỳ 2021- 2030, sẽ đầu tư 5 Trung tâm nghề cá lớn đồng bộ trong hệ thống các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, kết cấu hạ tầng và dịch vụ hậu cần thủy sản tại các vùng biển.
Trong đó, đáng chú ý, để nâng cao năng lực thực hiện các dịch vụ tại cảng cá, tất cả các cảng cá loại I thuộc Trung tâm nghề cá lớn sẽ được xây dựng có kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, hiện đại, có dây chuyền xếp dỡ hàng hóa đồng bộ, hiện đại, cơ giới hóa 100%; áp dụng hình thức quản trị số…
Mục tiêu đến năm 2050, hệ thống cảng cá được phát triển đồng bộ, toàn diện, hiện đại, ngang tầm với các cảng cá lớn trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng các tiêu chí cảng xanh. Các cảng cá loại I trong Trung tâm nghề cá lớn đóng vai trò cửa ngõ quốc tế là các mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị thủy sản toàn cầu, có sức cạnh tranh cao.
Để thực hiện quy hoạch này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ: Bộ NN&PTNT đã và đang phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát, xác định rõ về nhu cầu nguồn vốn dự kiến cần thiết cho các dự án, nhiệm vụ đầu tư đã được giao tại của Quy hoạch. Trong đó, đặc biệt là rà soát nhu cầu đầu tư của 18 cảng cá và 19 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2030. Về nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 Bộ NN&PTNT và các địa phương đã bố trí cho 71 dự án với số vốn khoảng 6.530 tỷ đồng cho lĩnh vực thủy sản; chưa kể khoảng 5.000 tỷ vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) để thực hiện dự án phát triển thủy sản bền vững.
Một hệ thống cảng cá cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá được xây dựng theo hướng hoàn thiện và hiện đại hóa đang dần hình thành. Đây sẽ là cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nghề cá, tăng cường hội nhập quốc tế; thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Nguồn Báo tin tức