Tại phiên tư vấn xuất khẩu thủy sản sang thị trường RCEP do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, RCEP mang lại lợi ích cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với các đối tác thương mại hàng đầu của khu vực. Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các nước thành viên RCEP chiếm trên 63% thị phần, đặc biệt là các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc Nông Đức Lai thông tin, năm 2021 Trung Quốc nhập khẩu 3,6 triệu tấn thủy sản với trị giá 15 tỷ USD. 4 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 530 triệu USD, tăng 100% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ RCEP và lợi thế có đường biên giới với Trung Quốc, Việt Nam còn nhiều dư địa để mở rộng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.
Tương tự, 15 nước thành viên RCEP là thị trường xuất khẩu quan trọng của ngành điều Việt Nam với 17,25% tổng sản lượng nhân điều xuất khẩu năm 2021. Hạt điều Việt Nam hiện chiếm 99% thị phần nhập khẩu nhân điều của Australia, 97,8% của Trung Quốc, 97,66% của New Zealand, 78,61% của Hàn Quốc…
Cùng với thủy sản, hạt điều, các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, hạt tiêu, hàng dệt may, giày dép, ô tô, viễn thông… cũng tăng cơ hội xuất khẩu nhờ RCEP. Trong báo cáo công bố mới đây, Ngân hàng Standard Chartered nhận định, RCEP sẽ củng cố vị thế thương mại, giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và tiếp cận tốt hơn với các thị trường tiêu dùng lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia. Đồng thời, RCEP giúp các nhà sản xuất tại Việt Nam giảm chi phí và tiếp cận chuỗi cung ứng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Còn theo Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Nguyễn Thị Thu Trang, thị trường RCEP quy tụ 70% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, giúp Việt Nam chủ động được nguồn nguyên vật liệu đầu vào và được kỳ vọng mang lại cú hích lớn gia tăng chuỗi sản xuất, cung ứng trong nội khối. RCEP cũng là khu vực sản xuất, xuất, nhập khẩu năng động chiếm 50-55% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam.
Dù vậy, theo các chuyên gia, việc thực thi RCEP làm gia tăng sức ép cạnh tranh do các nền kinh tế trong khối có nhiều điểm tương đồng. Trong khi chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng của nhiều mặt hàng xuất khẩu Việt Nam còn khiêm tốn, giá thành cao, chưa được nhận diện tốt về thương hiệu… Do vậy, việc hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường là đòi hỏi bức thiết để xuất khẩu bền vững vào thị trường khối RCEP.
Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc Nông Đức Lai cho rằng, việc phổ biến, cập nhật thông tin về quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, nắm bắt thông tin thị trường cần được đẩy mạnh. Còn đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore Cao Xuân Thắng khuyến cáo, để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng thực phẩm vào thị trường RCEP, doanh nghiệp nên xác định danh mục thực phẩm phù hợp; thực hiện thủ tục cấp phép, đăng ký, tuân thủ các quy định liên quan đến thực phẩm, nhãn mác; đặt lịch kiểm định chất lượng…
Nhằm tận dụng tối đa những cơ hội và tiềm năng do RCEP mang lại, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tìm hiểu các cam kết của RCEP để từ đó nắm bắt cơ hội, xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp và tự chủ trước những khó khăn có thể gặp phải. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập huấn về RCEP, triển khai các chương trình, hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ sẽ đẩy mạnh cung cấp thông tin về thị trường, xây dựng các chương trình phát triển thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng và lợi thế của Việt Nam vào thị trường quan trọng hàng đầu này.
Theo Hanoimoi.com.vn