Gia đình Anh Dương Ngọc Thiện là một trong những điển hình sử dụng hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm của huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc).
Xuất phát điểm chỉ là cửa hàng tạp hóa nhỏ bán một số loại thuốc chữa bệnh thông thường cho gia súc, nhờ vốn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tam Đảo, gia đình anh Dương Ngọc Thiện, xã Tam Quan có điều kiện mở rộng quy mô cửa hàng. Chỉ sau 2 năm, anh Thiện đã trở thành một trong những điển hình sử dụng hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm của địa phương với doanh thu đạt khoảng 600 - 700 triệu đồng/năm.
Chia sẻ về mô hình kinh doanh của mình, anh Thiện cho biết: "Những năm gần đây, khi thấy trong thôn có nhiều gia đình đầu tư vào chăn nuôi, tôi đã tính đến nhu cầu về thuốc thú y sẽ tăng nhưng lực bất tòng tâm vì không đủ vốn. Năm 2018, may mắn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho vay giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tôi đã bàn với gia đình sửa sang lại cửa hàng, kinh doanh thêm các loại thuốc thú y. Với giá bán được niêm yết tương đương với các cửa hàng tại trung tâm huyện mà bà con không phải đi xa, cửa hàng thuốc thú y của gia đình tôi đã trở thành địa chỉ tin cậy được người chăn nuôi trong vùng tìm đến, việc kinh doanh cũng thuận lợi hơn rất nhiều."
Theo ông Triệu Quang Chí, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tam Đảo cho hay: Nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã phát huy tốt hiệu quả, tạo “cú hích” quan trọng, tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.
Những năm qua, chương trình cho vay giải quyết việc làm từ nguồn vốn UBND tỉnh Vĩnh Phúc và nguồn Quỹ Quốc gia về việc làm ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã duy trì, mở rộng và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
Đến đầu tháng 8/2021, dư nợ cho vay của ngân hàng đạt trên 479,4 tỷ đồng, bằng 99% kế hoạch, trong đó, riêng nguồn vốn vay giải quyết việc làm đạt trên 74 tỷ đồng; có khoảng 700 hộ có nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã được tiếp cận vốn vay ưu đãi.
Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, dù đang là đơn vị có dư nợ cho vay tín dụng chính sách lớn nhất trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh song tỷ lệ nợ xấu của chi nhánh vẫn ở mức an toàn, chiếm khoảng 0,14% tổng dư nợ.
Không chỉ riêng huyện Tam Đảo, những năm qua, chương trình cho vay giải quyết việc làm từ nguồn vốn UBND tỉnh và nguồn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng trong việc duy trì, mở rộng và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
Đến nay, dư nợ vốn vay các chương trình chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội Vĩnh Phúc đạt hơn 582 tỷ đồng, với trên 14.520 lượt khách hàng vay vốn. Trong đó, vay vốn giải quyết việc làm đạt 246 tỷ đồng với hơn 2.170 lao động được vay, riêng vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm đã giải ngân khoảng 5 tỷ đồng với hơn 100 người lao động được thụ hưởng.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có trên 300 hộ nghèo, hơn 1.560 hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh trong năm 2021.
Để chính sách tín dụng này tiếp tục đi vào cuộc sống, trong khi nguồn vốn thực hiện chương trình còn hữu hạn, dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống người dân, gây đứt gãy các chuỗi sản xuất, tiêu dùng tại nhiều địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đang tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn vay, bảo đảm cung ứng kịp thời nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ người dân đầu tư sản xuất kinh doanh, giải quyết nhu cầu việc làm đang bức thiết do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hiện chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm đang được tỉnh triển khai thực hiện theo Nghị định số 74 của Chính phủ với nhiều ưu đãi thuận lợi cho người lao động. Cụ thể, đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, mức vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng. Mức vay cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn; thời hạn vay vốn tối đa 120 tháng; lãi suất vay vốn bằng lãi suất vay đối với hộ cận nghèo theo quy định pháp luật về tín dụng đối với hộ cận nghèo./.