Lượng tiền bơm ra nền kinh tế hiện nay thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm mới chỉ đạt 4,73% so với cuối năm 2022. Đây là cơ sở để các chuyên gia khẳng định vẫn còn nhiều dư địa để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Thông tin từ tọa đàm "Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 20/7.
Từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại giảm bình quân 1 - 1,2%, nhưng tăng trưởng tín dụng còn thấp cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp chưa cao. Đại diện của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần có những gói tín dụng tập trung vào các ngành nghề cụ thể đang là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ví dụ như gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp lâm, thủy sản.
"Các doanh nghiệp cần chủ động, đặc biệt là các ngành hàng có lợi thế phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Các ngành hàng này cần có chương trình làm việc riêng với các ngân hàng, với Ngân hàng Nhà nước, thậm chí với Chính phủ để có những gói hỗ trợ về lãi suất riêng, gói tín dụng riêng", ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nêu quan điểm.
Các chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều dư địa để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Theo các chuyên gia, độ trễ của chính sách tiền tệ là điều không thể tránh khỏi đối với tất cả các nền kinh tế trên thế giới, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại cần nỗ lực rút ngắn độ trễ này để doanh nghiệp kịp thời giảm được chi phí hoạt động.
"Thời điểm hiện nay mong muốn độ trễ ngắn hơn, bình thường khoảng 3 - 6 tháng, giờ đề nghị chỉ khoảng 1 - 3 tháng, nhanh nhất có thể. Bắt đúng bệnh, có thuốc nhưng phải uống đúng lúc", ông Cấn Văn Lực, kinh tế trưởng BIDV, nhận định.
"Chính sách tiền tệ, tài khóa hiện nay đều để hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng nếu không có sự phối hợp, nỗ lực của doanh nghiệp, không có sự phối hợp với các chính sách khác, ví dụ như hoàn thuế VAT, thì hai chính sách này đang đi ngược nhau", ông Phan Đức Hiếu, ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho hay.
Cũng theo các chuyên gia, chủ trương hạ lãi suất hiện tại sẽ không gây áp lực quá lớn tới lạm phát khi dự báo chỉ số này ở quanh ngưỡng 4% trong năm nay, tuy nhiên cần lưu ý hơn là kiểm soát dòng tiền đích thực vào các ngành sản xuất kinh doanh, tránh tình trạng vay tiền để đầu tư vào các tài sản tiềm ẩn rủi ro.
Nguồn VTV