Để hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả, theo Giáo sư Thọ, ngoài nỗ lực tăng ngân sách giải cứu doanh nghiệp, tăng nguồn cung cấp vaccin và phân bổ cho lao động theo một thứ tự ưu tiên hợp lý, cần cải thiện việc quản lý, thực thi gói hỗ trợ để nhanh chóng đến những doanh nghiệp cần cứu giúp.
Thứ nhất, tăng nguồn lực tài chính cho việc giải cứu doanh nghiệp. Chính phủ còn nhiều dư địa để tăng nhiều hơn ngân sách hỗ trợ cho người dân và cho doanh nghiệp. Như TS. Đinh Trường Hinh phân tích trên Kinh tế Sài Gòn hai tuần trước(*), tính đến giữa tháng 7-2021, Việt Nam mới chi khoảng 1,4% GDP cho việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp từ các nguồn liên quan ngân sách. Mức này thấp hơn nhiều so với trung bình 4% GDP của các nền kinh tế mới nổi. Mặt khác, dư địa chính sách tài khóa của Việt Nam vẫn còn. Tỷ lệ nợ công/GDP năm 2020 ở mức 55,8% (theo cách tính toán GDP cũ, theo cách mới thì còn thấp hơn), thấp hơn đáng kể so với mức 62% GDP cuối năm 2015. Như vậy, Chính phủ có thể tăng ngân sách hơn nữa cho gói hỗ trợ. Chính phủ cần phân bổ nhiều hơn cho việc hỗ trợ dân chúng nhưng vẫn còn dư địa để giúp doanh nghiệp hơn nữa.
Khẩn trương tăng nguồn cung vaccin và phân bổ đến người lao động cũng là biện pháp quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm trong một khu công nghiệp ở Bắc Giang. Ảnh: Bộ Y Tế
Thứ hai, ngoài việc hỗ trợ từ ngân sách (cho đến nay mới chủ yếu dưới hình thức hoãn thuế hoặc tiền thuê đất), cần áp dụng các biện pháp giảm các phí tổn cho doanh nghiệp, chẳng hạn phí bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, phí cảng biển, tiền điện… Quỹ bảo hiểm xã hội và công đoàn đang có kết dư rất lớn nên có thể ngừng thu và miễn cho doanh nghiệp và người lao động, trong một năm chẳng hạn.
Thứ ba, khẩn trương tăng nguồn cung vaccin và phân bổ đến người lao động cũng là biện pháp quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp. Với lượng cung cấp vaccin còn hạn chế nhưng sẽ tăng dần, Chính phủ cần đặt ra thứ tự ưu tiên các đối tượng được tiêm: Đầu tiên là những người phục vụ ở các cơ sở y tế và những cán bộ nhân viên phụ trách những việc phải tiếp xúc với dân. Ưu tiên tiếp theo là công nhân viên, lao động trong sản xuất và lưu thông, phân phối các mặt hàng thiết yếu cho đời sống của dân.
Kế đến là người cao tuổi, người có bệnh nền và công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp để duy trì sản xuất cho xuất khẩu, duy trì vị trí tham gia mạng lưới cung ứng toàn cầu.
Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam hiện tương đối ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và kinh tế từng bước hồi phục nên việc duy trì xuất khẩu đến các thị trường đó sẽ đóng góp đáng kể vào việc tăng sản xuất, giữ việc làm cho lao động trong nước. Năm 2020, dù dịch bệnh lan khắp thế giới, Việt Nam xuất sang Mỹ tăng 24% và sang Trung Quốc tăng 17%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta như linh kiện điện tử, điện thoại di động ngày càng gắn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động tích cực đến sản xuất trong nước. Trong nửa đầu năm 2021, so với cùng kỳ năm trước, GDP tăng 5,6% nhưng riêng ngành chế biến chế tạo tăng 11,4% nhờ các sản phẩm xuất khẩu chủ lực tăng mạnh (linh kiện điện thoại tăng 39%, điện thoại di động tăng 18%).
Tiêm vaccin cho công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp có ý nghĩa như vậy. Rất mừng là ở TPHCM, trên 80% công nhân ở các khu vực ấy đã được tiêm một liều. Tuy nhiên ở nhiều khu vực phía Bắc mà nạn dịch đang lây lan mạnh, việc tiêm vaccin cho công nhân ở khu chế xuất, khu công nghiệp chưa được quan tâm nhiều. Theo tìm hiểu của tôi, một công ty lớn xuất khẩu toàn bộ thành phẩm và có số lượng công nhân lớn nhưng mới chỉ 5% số công nhân được tiêm một liều.
Thứ tư, vấn đề tiếp theo là làm sao gói hỗ trợ đến được doanh nghiệp cần giúp đỡ. Hệ thống hành chính phức tạp, cơ chế xin – cho, thủ tục nhiêu khê, quy định chồng chéo của Việt Nam ngay trước khi có dịch đã tồn tại và chỉ được cải cách từng bước rất chậm làm nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, như doanh nghiệp sản xuất trong ngành công nghiệp hỗ trợ chẳng hạn, không thực hiện được như mục tiêu đề ra.
Kết quả điều tra của Ngân hàng Thế giới “Tác động của đại dịch Covid-19 lên doanh nghiệp Việt Nam” (trình bày tháng 11-2020) cho thấy các gói hỗ trợ thực hiện cho đến tháng 9-2020, chỉ có 27% doanh nghiệp nhỏ và 37% doanh nghiệp lớn (trong số các doanh nghiệp được điều tra) đã tiếp cận được chính sách hỗ trợ. Những cản trở chính làm doanh nghiệp không nhận được hỗ trợ là không thỏa mãn được điều kiện xin hỗ trợ dù đang gặp khó khăn, thủ tục rườm rà nên khó xin và không biết có chính sách hỗ trợ.
Chống dịch như chống giặc, bộ máy hành chính và quan chức phụ trách phải khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao độ như thời chiến mới cải thiện được tình hình, và gói hỗ trợ mới đến được doanh nghiệp cần giúp đỡ. Trong tình trạng khẩn cấp hiện nay, cần nghĩ thêm các biện pháp mới, chẳng hạn cán bộ phụ trách của chính quyền địa phương cùng hành động với các hiệp hội doanh nghiệp khẩn trương triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ.
Thứ năm, một vấn đề nữa cần cải thiện là thông tin về tình hình dịch bệnh và chính sách hỗ trợ phải được phổ biến chính xác và nhanh đến doanh nghiệp. Đó là ý kiến của một số doanh nghiệp mà tôi quen biết và hỏi thăm qua điện thoại. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nói trên cũng cho thấy có tới 17% số doanh nghiệp được điều tra cho biết là họ không biết gì về chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Ngoài việc công bố trên trang web của các bộ ngành, cần giới thiệu nhiều lần trên truyền hình, trên radio. Chẳng hạn mỗi ngày định ra ba lần phát sóng trên truyền hình công bố thông tin về chính sách hỗ trợ, về diễn tiến và ảnh hưởng của dịch bệnh. Ba lần ấy đều theo các giờ cố định để dân chúng và doanh nghiệp dễ theo dõi. Một chính sách mới được ban ra nên phát đi phát lại nhiều lần trong 1-2 tuần.
GS Trần Văn Thọ (Theo TBKTSB)