Chủ động tiếp thu, làm chủ và sáng tạo công nghệ
Tại hội nghị “Thúc đẩy năng suất doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh đại dịch Covid-19 dựa trên nền tảng đổi mới khoa học, công nghệ và cải cách quy định hành chính” vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, chỉ trong 9 tháng năm 2020, Việt Nam có khoảng 70.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động với khoảng 1,8 triệu lao động mất việc làm. Tuy nhiên, cũng trong thời gian này có 99.000 doanh nghiệp được thành lập mới, chủ yếu là doanh nghiệp ứng dụng các nền tảng của khoa học và công nghệ trong hoạt động. Theo khảo sát, các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo phương cách truyền thống và gặp nhiều khó khăn khi đối diện với đại dịch. Ngược lại, các doanh nghiệp thích ứng nhanh với sự thay đổi của môi trường và ứng dụng triệt để khoa học và công nghệ thì tỷ lệ tồn tại cao.
Khoa học và công nghệ có tác động quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động. Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư, năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực làm chủ công nghệ của Việt Nam luôn được cải thiện. Trong báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam được xếp hạng thứ 42/131 quốc gia và nền kinh tế. Đây là chỉ số rất quan trọng, đặc biệt đối với cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) - thành phần năng động, sáng tạo nhất trong các lực lượng kinh tế.
Chiến lược khoa học và công nghệ quốc gia, chính sách công nghiệp tạo yếu tố tiền đề, khích lệ các doanh nghiệp mạnh dạn khai thác khoa học và công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh thông qua 4 yếu tố: Giảm giá thành; tăng chất lượng; phát triển sản phẩm mới với tính năng sáng tạo; nâng cao khả năng đáp ứng nhanh, nhạy của doanh nghiệp đối với yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, thị trường.
Thực tế cho thấy, doanh nghiệp nào có sự chủ động, tiếp thu, làm chủ và sáng tạo công nghệ thường tăng trưởng nhanh, nhờ đó có tính thích nghi cao với thị trường. Đại dịch Covid-19 trở thành chất xúc tác và cho thấy sự cần thiết phải ứng dụng khoa học và công nghệ, giao dịch điện tử… vào các lĩnh vực tiêu dùng, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe, an ninh, đặc biệt là lĩnh vực tốn nhân công và có tiềm năng sử dụng robot nhất đó là sản xuất. Các doanh nghiệp nhận thức được rằng họ cần tăng tốc, giải phóng các hạn chế nhân lực, triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ để tăng khả năng tiếp cận của khách hàng, thay đổi phương thức kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu, sản phẩm phù hợp với điều kiện thực tế mới.
Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Điển hình như việc nghiên cứu, đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất các thiết bị y tế, sản phẩm, chế phẩm sinh học phục vụ công tác phòng, chống dịch, sản xuất khẩu trang…
Chuyển đổi công nghệ số
Bà Cristina Fentross, Quyền Phó Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) cho rằng, tuy gây những tác động chưa từng có tiền lệ đến đời sống của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp, nhưng đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi khoa học và công nghệ lên tầm cao hơn.
Việc chuyển đổi khoa học và công nghệ nói chung và chuyển đổi số nói riêng là cấu phần cốt lõi của các doanh nghiệp SMEs. USAID đang phối hợp chặt chẽ với Việt Nam thực hiện dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp SMEs, nhằm hỗ trợ, khắc phục khó khăn qua đại dịch Covid-19.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết thêm, việc ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện nay, doanh nghiệp đang nhìn nhận vai trò của khoa học và công nghệ rất khác so với trước đây. Họ không những thấy đó là sự cần thiết mà còn là cơ hội hướng tới thành công. Đồng thời nhấn mạnh sự nỗ lực của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến năng suất, chất lượng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thông qua việc triển khai thành công một số chương trình về nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa quốc gia đến năm 2020 và việc cho ra đời bộ công cụ VIPA (Bộ công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp hướng đến chuyển đổi số và sản xuất thông minh) với 64 chỉ số đánh giá mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trong chuyển đổi số.
Tuy nhiên, cũng theo bà Cristina Fentross, nhiều doanh nghiệp SMEs của Việt Nam chưa đủ kỹ năng để có thể tận dụng cơ hội chuyển đổi số, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Do đó, các doanh nghiệp cần hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc nâng cấp khoa học và công nghệ, chuyển đổi số và tìm kiếm các giải pháp thích ứng để hoạt động trong bối cảnh hiện nay. “Doanh nghiệp cần đổi mới, cải thiện, điều này sẽ giúp họ trở nên năng động, từ đó có thể nắm bắt cơ hội tốt hơn” bà Cristina Fentross chia sẻ.
Theo Hanoimoi.com.vn