Ngày 29/10, Đại hội Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 đã hoàn tất chương trình. Như vậy, tính đến thời điểm này, 67 Đảng bộ trực thuộc Trung ương đã hoàn thành Đại hội, sớm hơn 2 ngày so với quy định (ngày 31/10/2020).
Trao đổi với phóng viên VOV, GS.TSKH Phan Xuân Sơn, Viện Chính trị học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, Đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương cho thấy bước tiến lớn về công tác nhân sự.
PV: Qua theo dõi các đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương, ông đánh giá thế nào về công tác tổ chức đại hội của các địa phương?
GS.TSKH Phan Xuân Sơn: Có thể thấy, khâu tổ chức đại hội được các địa phương chuẩn bị chu đáo, từ cấp cơ sở đến cấp trên cơ sở, rồi đến cấp trực thuộc trung ương; tiến độ đều đúng thời gian, về cơ bản đúng theo dự kiến, cũng có một số trường hợp sai sót, ngoài dự kiến nhưng không đáng kể.
Theo hướng dẫn của Chỉ thị 35, cấp trực thuộc Trung ương đến ngày 31/10 phải hoàn thành, nhưng đến 29/10 đã xong và đều cho kết quả tốt.
Đại hội lần này, một số địa phương miền Trung gặp khó khăn do ảnh hưởng của bão lụt, thiên tai, gây hậu quả nặng nề nhưng các đảng bộ đó vẫn khắc phục để có một kỳ đại hội thành công, cả về thời gian quy định lẫn chất lượng đại hội. Quan trọng hơn cả là các đại hội không phô trương hình thức, chi tiêu tiết kiệm, có địa phương dự kiến tổ chức rình rang lắm nhưng qua ý kiến góp ý của nhân dân, đảng viên, công tác tổ chức thực chất, tiết kiệm. Tỉnh Quảng Bình còn rút ngắn thời gian đại hội chỉ trong 1 ngày, thời gian còn lại để khắc phục, phòng chống bão lụt, nhưng chất lượng đại hội vẫn được đảm bảo. Có thể nói, các đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương đã thành công.
PV: Ông thấy các định hướng, mục tiêu được đưa vào văn kiện đại hội có sát với tình hình và khả năng thực hiện của các địa phương không?
GS.TSKH Phan Xuân Sơn: Có thể nói công tác chuẩn bị văn kiện ở kỳ đại hội lần này có nhiều tiến bộ. Dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nội dung văn kiện được chuẩn bị rõ ràng, cụ thể, có sự cân đối giữa vấn đề xây dựng Đảng, chủ trương lãnh đạo phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.
Qua các văn kiện cho thấy, có sự tham gia, góp ý rộng rãi của nhân dân, đảng viên, của các tổ chức chính trị xã hội; Nội dung mục tiêu, định hướng rất cụ thể, nêu rõ được đặc điểm của địa phương. Đơn cử như Hà Nội, những chủ trương ở nhiệm kỳ này có sự khác biệt với những năm trước và với các địa phương hiện nay; hay Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, TPHCM đều rõ ràng và làm nổi lên đặc điểm của địa phương, cũng như tầm nhìn, ý chí vươn lên của địa phương đó. Thậm chí có những địa phương đề ra mục tiêu mang tính đột phá.
PV: Ông có nhận xét gì về công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy? Nhân sự từ Trung ương điều về đều được đại hội bầu với số phiếu cao, cho thấy điều gì?
GS.TSKH Phan Xuân Sơn: Nhân sự lần này được thực hiện theo Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, ngoài việc chúng ta đã chuẩn bị được đội ngũ nhân sự có tính bài bản trải qua quy trình quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, học tập lý luận chính trị, các lớp đào tạo nguồn, rồi luân chuyển, kinh qua các vị trí quản lý…, có thể khẳng định nhân sự lần này về cơ bản đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn đề ra.
Một trong những điểm nhấn ở kỳ đại hội này là chủ trương bầu Bí thư không phải người địa phương được thực hiện khá tốt. Tổng kết sơ bộ có tới 22 Bí thư không phải người địa phương. Nhân sự trải đều ở các độ tuổi, đặc biệt lần này, độ tuổi trẻ rất nổi bật, đa phần thuộc thế hệ 7X, đặc biệt trong đó có khá nhiều nữ. Xưa nay, tỷ lệ nữ Bí thư Tỉnh ủy còn khá khiêm tốn, nhưng ở nhiệm kỳ này đã phủ gần như hết gần 10 đầu ngón tay. Những cán bộ nữ này đa phần đều trẻ tuổi, được đào tạo bài bản, nhiều người có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ, thậm chí có cả học vị Phó Giáo sư.
Một điểm đặc biệt nữa trong công tác nhân sự lần này là một số Bí thư Tỉnh ủy được Trung ương điều động về ngay trước đại hội để ứng cử và ở đại hội, các nhân sự này đều trúng cử. Điều này chứng tỏ công tác nhân sự từ cấp Trung ương xuống địa phương đều có sự thống nhất, đồng lòng nhất trí cao. Bên cạnh đó, là sự lãnh đạo, chỉ đạo rất chặt chẽ.
Chỉ có tỉnh Quảng Ninh đề xuất thí điểm bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội nhưng Trung ương chưa cho thử nghiệm. Tuy nhiên, dù chưa có thí điểm nhưng cho thấy công tác nhân sự kỳ này đã có những bước tiến vượt bậc về tiêu chuẩn. Một điểm đặc biệt nữa là vấn đề đạo đức, lối sống của nhân sự cũng được Đảng chú ý. Có thể nói, đội ngũ nhân sự kỳ này được đánh giá là có năng lực, đảm bảo được phẩm chất đạo đức, tư cách, đặc biệt là đạo đức lối sống, tư tưởng chính trị biểu hiện vững vàng.
PV: Sơ bộ thống kê, có tới 43% Bí thư thuộc thế hệ 7X. Theo ông, thế hệ Bí thư này có ưu điểm gì so với thế hệ trước?
GS.TSKH Phan Xuân Sơn: Đội ngũ này có đặc điểm sinh ra ở thời bao cấp nhưng trưởng thành trong thời kỳ đổi mới, cùng với những trải nghiệm trong thời kỳ đổi mới sẽ giúp cho họ có thế mạnh, sinh khí mới hơn so với đội ngũ cán bộ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến.
Với đội ngũ nhân sự này hứa hẹn rất nhiều điểm đột phá trong nhiệm kỳ mới, ngoài những vấn đề có thể phải kế thừa, phát triển. Bởi những nhân sự trẻ này có kiến thức, tầm nhìn và đã kinh qua một thời kỳ dài hội nhập quốc tế, có thể đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý tại địa phương.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Trong số 63 Bí thư tỉnh, thành phố, có 9 người là nữ (An Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Lai Châu, Lạng Sơn, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Thái Nguyên, và Vĩnh Phúc).
Về độ tuổi, có hai Bí thư thuộc thế hệ 5X (Hà Nội và TPHCM, chiếm 3%), 34 người thuộc thế hệ 6X (54%), và 27 người thế hệ 7X (43%). Bí thư trẻ nhất là ông Lê Quốc Phong, sinh năm 1978, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp.
Có 22 Bí thư lần đầu tiên đắc cử, 41 người tái đắc cử. 29 người là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, 12 người là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Đáng chú ý, có 11 người được Bộ Chính trị điều động, luân chuyển trong năm 2020 và đều đắc cử, tái đắc cử làm Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy nhiệm kỳ 2020-2025.
Cụ thể, tháng 2, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Tháng 4, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XI, được điều động, phân công, chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình thay bà Nguyễn Thị Thanh.
Trong tháng 5, có hai người được Bộ Chính trị điều động là: Ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai, được điều động, phân công giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum; và bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, được điều động, phân công giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên.
Tháng 7, Bộ Chính trị điều động ông Lê Quang Tùng, khi đó là Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị nhiệm kỳ 2015-2020. Cũng trong tháng 7, Bộ Chính trị quyết định điều động ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, làm Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu, và điều động ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, làm Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu.
Đến tháng 8, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng được Bộ Chính trị điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình.
Đặc biệt, ngay trong tháng 10, Bộ Chính trị quyết định chỉ định ông Lê Quốc Phong, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp và giới thiệu để bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhiệm kỳ 2020-2025; chỉ định ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giới thiệu bầu giữ chứ Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên nhiệm kỳ 2020-2025; và chỉ định ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giới thiệu bầu giữ chức Bí thư Thành ủy TPHCM nhiệm kỳ 2020-2025.
VOV