Được khai trương ngày 9-12-2019, đến nay Cổng dịch vụ công quốc gia đã có trên 61 triệu lượt truy cập; trên 16,5 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái. Riêng về hệ thống thanh toán trực tuyến, trên cơ sở yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước về quy trình, thủ tục, Tập đoàn VNPT đã phối hợp với các cơ quan để xây dựng phần mềm tích hợp thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Từ tháng 3-2020, hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công quốc gia chính thức được đưa vào vận hành, với sự phối hợp, tham gia tích cực của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính (Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế), Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương và các ngân hàng, trung gian thanh toán.
Theo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), đến nay đã có 45/63 địa phương, 7 bộ, ngành và Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoàn thành tích hợp, sử dụng Hệ thống thanh toán trực tuyến này; có 4 ngân hàng (VietcomBank, VietinBank, AgriBank, BIDV), 4 tổ chức trung gian thanh toán (VNPTPay, Ngân lượng, Momo, Payoo) hoàn thành tích hợp bảo đảm việc cung ứng dịch vụ thanh toán thông qua tài khoản của 38/46 ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam.
Hiện nay, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp thanh toán trực tuyến cho các loại hình thu như: phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác trong thực hiện thủ tục hành chính; đóng BHXH, BHYT; nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; nộp thuế; thu tiền điện. Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, loại hình thanh toán hiện đang được người dân, doanh nghiệp quan tâm thực hiện nhiều nhất là đóng BHXH, BHYT, chiếm khoảng 56%; phí, lệ phí chiếm khoảng 23,6%, thu phạt chiếm khoảng 18%.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, tuy thời gian thực hiện chưa dài nhưng sau sáu tháng hoạt động, đến ngày 7-9, đã có hơn 11.000 hồ sơ giao dịch thanh toán trực tuyến, trong đó tập trung chủ yếu trong tháng 7 và 8-2020 khoảng 4.000 giao dịch với giá trị khoảng 5 tỷ đồng/tháng. Như vậy, thủ tục thanh toán trực tuyến ngày càng tốt hơn, đây là việc tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Khẩn trương hoàn thành việc kết nối, tích hợp
Phát biểu tại cuộc họp ngày 9-9-2020 về việc kết nối, tích hợp chức năng thanh toán của Cổng Dịch vụ công quốc gia, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, năm 2020, mục tiêu đặt ra là cung cấp 30% dịch vụ công mức độ 3,4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia, vì vậy vấn đề thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia để tạo thuận lợi cho người sử dụng là rất quan trọng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ yêu cầu đến ngày 15-9 hoàn thành kết nối thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Vì vậy, đề nghị các bộ, cơ quan khẩn trương hoàn thành việc kết nối, tích hợp; các đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hoàn thiện hệ thống để hoàn thành mục tiêu đặt ra; các bộ, ngành, cơ quan, ngân hàng, trung gian thanh toán tích cực tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp biết và thực hiện thanh toán trực tuyến. Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm, Văn phòng Chính phủ sẽ lấy mốc thời gian ngày 15-9 để cáo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thành tích hợp thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Để tiếp tục triển khai thanh toán trực tuyến trong thời gian tới, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế và các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ trong quả trình xây dựng, vận hành Hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công quốc gia bảo đảm đáp ứng tốt mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Kho bạc Nhà nước chủ trì, phối hợp Văn phòng Chính phủ hướng dẫn danh mục mã loại hình thu, mã, tên đơn vị kho bạc nhà nước, tài khoản phục vụ việc thu phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác trong thực hiện thủ tục hành chính mà tài khoản thụ hưởng là tài khoản của Kho bạc Nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương thống nhất, hiệu quả.
Tổng cục Thuế tiếp tục phối hợp Văn phòng Chính phủ hoàn thiện nộp thuế trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia để bảo đảm thân thiện, thuận lợi, tăng số lượng người sử dụng. Bên cạnh đó, đề nghị các ngân hàng, trung gian thanh toán khẩn trương hoàn thành việc bổ sung các nội dung theo yêu cầu kỹ thuật kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Để tiếp tục mở rộng việc tích hợp, cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia của các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán tập trung ưu tiên triển khai thực hiện, trong đó riêng Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) phải hoàn thành kết nối, tích hợp trong tháng 9-2020.
Lợi ích của việc thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia
Với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, việc triển khai dịch vụ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia được xem là giải pháp mang lại lợi ích không nhỏ cho cả người dân và các cơ quan nhà nước. Tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho dân, đồng thời tăng tính minh mạch trong thu ngân sách là những lợi ích thấy rõ của hình thức thanh toán này.
- Tăng tính minh bạch
- Thuận tiện cho người dân
Trước đây, người dân thường phải tốn khá nhiều thời gian chờ đợi, di chuyển để đóng các loại thuế, phí, lệ phí. Tuy nhiên, khi thực hiện hình thức thanh toán trực tuyến, người dân sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại. Hiện một số dịch vụ được người dân quan tâm như: Nộp phí phạt vi phạm giao thông, Thuế cá nhân và Lệ phí trước bạ ô-tô, xe gắn máy... đã được triển khai hình thức thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Trong đó, dịch vụ thu tiền phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đang nhận được nhiều sự chú ý.
Với hình thức truyền thống, để nộp phạt vi phạm này, người dân thường phải đến cơ quan công an hoặc bưu điện để nhận quyết định xử phạt, rồi đến kho bạc để nộp phạt, sau đó quay về nơi ra quyết định xử phạt trình biên lai đóng tiền để được nhận lại các loại giấy tờ. Cách làm này mất không ít thời gian và chi phí đi lại, chờ đợi. Đặc biệt, trước tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, việc đẩy mạnh thanh toán trực tuyến sẽ góp phần phòng, chống dịch, hạn chế nguy cơ lây lan virus ra cộng đồng./.
Nguồn TTXVN