Trước yêu cầu của tình hình hiện nay, vừa qua, Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về tổ chức và hoạt động của dịch vụ việc làm.
Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm Bộ LĐ-TB&XH cho biết, việc xây dựng nghị định nằm trong quá trình hoàn thiện thể chế của thị trường lao động định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đây là cơ hội để cán bộ quản lý các cấp từ Trung ương đến địa phương đóng góp để không chỉ chính sách đưa vào thực tiễn mà còn để thực tiễn đi vào chính sách và khẳng định đây là trách nhiệm chung cùng nhau quyết tâm xây dựng hành lang pháp lý hiện đại để hoạt động giao dịch việc làm phát triển trong vòng nhiều năm tới và đảm bảo tính cạnh tranh của thị trường lao động.
Nghị định được xây dựng để tạo cơ hội cho tổ chức dịch vụ việc làm phát triển, song phải đảm bảo tính minh bạch, tôn trọng quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho người lao động cũng như hỗ trợ doanh nghiệp giảm các chi phí tuyển dụng. Đặc biệt, Nghị định ban hành cần khắc phục được nhiều hạn chế trong thời gian qua, xây dựng nền tảng cho hoạt động của tổ chức dịch vụ việc làm và doanh nghiệp dịch vụ việc làm.
Xây dựng hành lang pháp lý hiện đại để tổ chức dịch vụ việc làm phát triển, song phải đảm bảo tính minh bạch. Ảnh: Báo Công thương
Qua việc dẫn dắt từ kinh nghiệm thực tế đưa vào chính sách để khẳng định đúng vai trò của trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm trong thị trường lao động. Đối với các trung tâm thuộc đoàn thể chính trị xã hội xác định rõ các mục tiêu phục vụ đối tượng của mình. Doanh nghiệp dịch vụ việc làm cần kết nối được các tổ chức dịch vụ việc làm khác và kết nối quốc tế theo các tầng của lao động; quan tâm nhiều hơn lao động khu vực phi chính thức. Tất cả đều nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển thị trường lao động,…
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã đưa ra ý kiến về quy định nhân sự, tại Điều 3, dự thảo Nghị định. Cụ thể, như điều kiện thành lập trung tâm dịch vụ việc làm tối thiểu có ít nhất 15 người làm việc có trình độ từ cao đẳng trở lên và người lãnh đạo điều hành trung tâm phải có trình độ từ đại học trở lên, có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực lao động, việc làm.
Ông Dương Quang Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Trà Vinh cho rằng điều kiện này là hơi cứng nhắc và gây lãng phí nguồn đào tạo người lao động. Ngoài ra, sẽ khó với một số địa phương. Nên chăng chỉ cần quy định là, có 15 người, có trình độ cao đẳng trở lên là đủ.
Ý kiến thêm về quy định này, ông Nguyễn Văn Tứ - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, cần có những đặc điểm cho các địa phương khác nhau, có thể tăng thêm số lượng nhân sự. Nhưng đây là số lượng người chứ không phải số vị trí việc làm. Bởi vì mỗi vị trí việc làm có thể số lượng người làm việc khác nhau.
Ngoài ra, trong hoạt động trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập, bảo đảm về kinh phí hoạt động, tức nguồn lương được hưởng từ ngân sách, như vậy những nhân sự của trung tâm này phải được xem là viên chức.
Ngoài ra, trong phần nhiệm vụ của trung tâm dịch vụ việc làm được quy định nhiều ý kiến quan tâm và đóng góp về nhiệm vụ thu thập, xử lý thông tin thị trường lao động, phân tích thị trường lao động và tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tìm kiếm việc làm, đào tạo kỹ năng và giáo dục nghề nghiệp khác theo quy định của pháp luật cho người lao động.
Hay một điểm mới trong Nghị định này được quy định đó là tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế theo quy định của pháp luật khi được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ.
Đặc biệt, về tiêu chí đánh giá chất lượng của trung tâm dịch vụ việc làm, các đề xuất đưa ra cho rằng, nên xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ việc làm, để từ đó xây dựng được đội ngũ nhân sự, cơ sở trang thiết bị vật chất… đi kèm để thành một hệ thống đánh giá được hoạt động của dịch vụ việc làm có chất lượng.
Bên cạnh đó, một số đại biểu khác nêu ý kiến cho rằng, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lao động việc làm cần biết tận dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội để đạt hiệu quả cao hơn, tiếp cận tốt hơn với thị trường.
Nhiều ý kiến mong muốn Nghị định mới sẽ sớm được thông qua có tính khả thi, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Qua đó, đổi mới sắp xếp trung tâm dịch vụ việc làm để thực sự trở thành công cụ hiệu quả trong xây dựng, quản trị thị trường lao động hiện đại, hỗ trợ tích cực cho người lao động, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến, đại diện Cục Việc làm - cho biết, trên cơ sở các ý kiến, Cục Việc làm sẽ có cơ sở thực tiễn để xây dựng hoàn thiện Nghị định về tổ chức, hoạt động dịch vụ việc làm. Đặc biệt, nhiều nội dung đặt ra sẽ được cân nhắc phù hợp như: Hoạt động đào tạo nghề tại các trung tâm dịch vụ việc làm; việc tham gia hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, thỏa thuận hợp tác lao động; bố trí phòng chức năng, quy định trình độ nhân sự,…
Đặc biệt, hoạt động giao dịch việc làm trên nền tảng số mặc dù được đánh giá là một trong các kênh giao dịch hiệu quả song cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể hỗ trợ hiệu quả và quản lý chặt chẽ, đảm bảo thông tin về việc làm chính xác, minh bạch và đúng quy định pháp luật tạo điều kiện cho thị trường lao động phát triển theo xu thế hiện đại.
Dự thảo Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của dịch vụ việc làm gồm 5 chương, 38 điều quy định chi tiết về một số điều của Luật Việc làm về tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm. Như các quy định chung, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, điều kiện thành lập, tổ chức và hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm; điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm, nội dung hoạt động và chi nhánh của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm./.
Theo Báo Công thương