Bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gần đây đã nhận được sự quan tâm của các quan chức và học giả Trung Quốc. Ông Hàn Phương Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc (tức Mặt trận), Chủ tịch Học hội nghiên cứu Chahar về ngoại giao và quan hệ quốc tế của Trung Quốc đánh giá, bài viết đã cho thấy đóng góp của Việt Nam trong sự tìm tòi phát triển văn minh nhân loại.
Là một quan chức kiêm học giả, ông Hàn Phương Minh đánh giá rất cao bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về sự sáng tạo lý luận xã hội chủ nghĩa, đồng thời khẳng định sự thành công trong chuyển đổi mô hình của cả Việt Nam và Trung Quốc đã đem lại sức sống và sinh lực mới cho chủ nghĩa xã hội.
Trong bài viết có tiêu đề “Nhiều hơn nữa đóng góp của Việt Nam trong sự tìm tòi phát triển văn minh nhân loại”, ông cho rằng, bài viết của Tổng Bí thư đã phân tích một cách hệ thống ý nghĩa và vấn đề, cách thức và phương pháp trong sự nghiệp đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa của Việt Nam những năm qua, vạch rõ căn nguyên và mục tiêu, sự kiên trì và kiên định đối với một số lý luận về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đặt con người vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển của Việt Nam.
Theo ông Hàn Phương Minh, 35 năm qua kể từ khi đổi mới mở cửa năm 1986 đến nay, Việt Nam đã kiên trì đi theo con đường phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc của riêng mình, kinh tế liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển khá cao, bình quân hàng năm khoảng 7%. Đến năm 2020, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN.
Cùng với thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và kỳ họp thứ nhất Quốc hội Việt Nam khóa XV vừa qua, công cuộc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa của Việt Nam lại bước tiếp một chặng đường mới.
Ông cho rằng, thực tiễn của Trung Quốc và Việt Nam về xây dựng chế độ, phát triển kinh tế xã hội và phòng chống dịch bệnh đã cho thấy, “văn minh chế độ hiện đại của thế giới không chỉ có một phương án, hiện đại hóa không chỉ có một mô hình của phương Tây.”
Trong bài viết của mình, ông Hàn Phương Minh khẳng định, chủ nghĩa tư bản có những trường hợp thành công và cả những trường hợp thất bại. Chủ nghĩa xã hội có những trường hợp thành công, cũng có trường hợp cứng nhắc của “mô hình Xô Viết”. Không thể phủ nhận hoàn toàn chủ nghĩa xã hội chỉ vì sự thất bại của “mô hình Xô Viết” và cách mạng ở Đông Âu.
Theo ông, “Công cuộc cải cách chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc và Việt Nam thông qua chuyển đổi mô hình đã mang lại sinh lực mới và sức sống mới cho chủ nghĩa xã hội, đạt được những tiến bộ mang tầm sử thi.”
“Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế, thế giới ngày càng khám phá ra một Việt Nam mới. Điều này cho thấy, con đường tìm tòi chủ nghĩa xã hội của Việt Nam đang đi đúng hướng và các sự tìm tòi ấy trong tương lai sẽ rộng lớn hơn và có giá trị văn minh hơn.”
Ông Hàn Phương Minh đánh giá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do Việt Nam khởi xướng “là trù tính mới cho sự nghiệp chủ nghĩa xã hội đương đại, là bước phát triển mới của Việt Nam hóa chủ nghĩa Mác, là sự mở rộng của tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Với ông, Việt Nam đã viết nên “Bài ca mùa Xuân” của riêng mình, GDP bình quân đầu người từ 100 USD thời kỳ đầu Đổi mới tăng lên khoảng 3.500 USD hiện nay, mức sống của người dân Việt Nam đã đạt bước nhảy vọt với công bằng xã hội mà ai ai cũng thấy. Với thực tiễn này, ông nhấn mạnh, “Kinh tế thị trường chủ nghĩa tư bản có thể thực hiện, chủ nghĩa xã hội cũng có thể thực hiện. Ai thực hiện kinh tế thị trường và công bằng xã hội tốt hơn, người đó sẽ có sức thuyết phục hơn.”
Dưới góc độ lý luận xã hội chủ nghĩa, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc, khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự đột phá sáng tạo về lý luận, là một loại hình tổ chức kinh tế không chỉ tuân theo các quy luật kinh tế thị trường, mà còn vận hành dưới sự dẫn dắt và chi phối của các nguyên tắc và tính chất của chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn là tiêu chí duy nhất để kiểm nghiệm chân lý. Thực tiễn của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã thúc đẩy hiệu quả sự phát triển đồng bộ của kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và văn minh sinh thái, cho thấy tiềm năng to lớn của công cuộc cải cách xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.”
Ông khẳng định, việc đúc kết kinh nghiệm phát triển xã hội chủ nghĩa của Việt Nam và tinh hoa tư tưởng về quản trị đất nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giúp ích cho việc “trao đổi lý luận và va chạm trí tuệ giữa các chính đảng toàn cầu, đem lại cho cộng đồng quốc tế nhiều hơn các giải pháp quản trị có thể tham khảo.”
Về quan hệ Trung – Việt, ông cho rằng, quan hệ hai nước phát triển bền vững, lành mạnh và ổn định có lợi cho sự phát triển của sự nghiệp chủ nghĩa xã hội, cũng như trong việc gìn giữ hòa bình ổn định, thúc đẩy thịnh vượng kinh tế của khu vực và thế giới, có lợi cho việc đóng góp thêm nhiều trí tuệ và giải pháp cho nền văn minh nhân loại. Trước tác động của đại dịch Covid-19 và những thách thức phức tạp của môi trường bên ngoài, hợp tác thực chất giữa hai nước trên các lĩnh vực đã lội ngược dòng, cho thấy dư địa và tiềm năng hợp tác giữa hai bên là rất lớn.
Ông mong muốn hai nước Trung Quốc và Việt Nam mở rộng hợp tác, thu hẹp bất đồng, xây dựng hình mẫu hợp tác cùng thắng giữa các chính đảng và các quốc gia, chung tay và đóng góp nhiều hơn cho hòa bình khu vực, tiến bộ văn minh và xây dựng chế độ, để người dân hai nước có được cuộc sống đàng hoàng và có phẩm giá, thực hiện sự phục hưng vĩ đại của hai dân tộc./.
Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh