Dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Dự hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT) Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam; Nguyễn Thị Thanh, Phó trưởng Ban tổ chức Trung ương, Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội; Đào Hồng Lan, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh...
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu đề dẫn tại hội thảo. |
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 50 tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam; các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và các nhà khoa học.
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đồng chí Lê Quang Đạo đồng cũng luôn nêu cao tinh thần của người chiến sĩ cộng sản, kiên cường vượt qua mọi gian nguy, thử thách, chiến đấu hy sinh vì lý tưởng của Đảng, vì tương lai tươi sáng của đất nước, là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đồng chí Lê Quang Đạo với ý chí, bản lĩnh, tài thao lược, sự linh hoạt, sáng tạo, quyết đoán của một nhà chỉ huy chính trị, quân sự tài ba, góp phần to lớn vào những thắng lợi quan trọng của QĐND Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ghi nhận những đóng góp to lớn đối với Quân đội và cách mạng Việt Nam, năm 1958, đồng chí được phong quân hàm Thiếu tướng; năm 1974, được phong quân hàm Trung tướng.
Đồng chí Lê Quang Đạo (tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện), sinh ngày 8-8-1921, tại xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1938, được kết nạp vào Đảng năm 1940. Trước Cách mạng tháng 8-1945 và trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đồng chí Lê Quang Đạo trải qua nhiều cương vị chủ chốt của Đảng. Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước (1987-1992), đồng chí đã đóng góp nhiều tâm huyết vào việc tiến hành sửa đổi Hiến pháp năm 1980 thành Hiến pháp năm 1992 phù hợp Cương lĩnh đổi mới của Đảng, đáp ứng đòi hỏi của cách mạng, nguyện vọng của nhân dân trong giai đoạn mới.
Trung tướng Trịnh Văn Quyết phát biểu tham luận tại hội thảo. |
Tham luận tại hội thảo, Trung tướng Trịnh Văn Quyết, nêu rõ: Do yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, từ tháng 9-1950 đến tháng 12-1978, đồng chí Lê Quang Đạo được Đảng điều động công tác trong QĐND Việt Nam. Trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao phụ trách công tác Đảng, công tác chính trị, trực tiếp tham gia lãnh đạo, chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, ở những hướng chiến lược quan trọng, những chiến trường nóng bỏng, có tính chất quyết định đến cục diện chiến trường, với các trọng trách: Phó chủ nhiệm Chính trị Chiến dịch Biên giới (1950); Cục trưởng Cục tuyên huấn (1951); Phó chủ nhiệm Chính trị Chiến dịch Điện Biên Phủ, kiêm Chính ủy Đại đoàn 308 (1954); Phó chủ nhiệm TCCT (1955); Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh (1968); Chính ủy Bộ tư lệnh 500, Chính ủy Chiến dịch Đường 9-Nam Lào (1971); Chính ủy Chiến dịch Trị-Thiên (1972); Phó chủ nhiệm TCCT, kiêm Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Học viện Chính trị quân sự (1973).
Quá trình công tác trong quân đội, đồng chí Lê Quang Đạo đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; xây dựng và phát triển phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ; xây dựng mối đoàn kết gắn bó máu thịt giữa quân đội với nhân dân; kiến tạo và đề xuất tổ chức các đợt chỉnh huấn, chỉnh quân trở thành cuộc vận động lớn trong hai cuộc kháng chiến, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ và đơn vị cơ sở vững mạnh toàn diện.
Học tập, noi gương đồng chí Lê Quang Đạo, Trung tướng Trịnh Văn Quyết khẳng định: Cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam nguyện thường xuyên học tập nâng cao nhận thức lý luận, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Quân đội và tri thức nhân loại vào thực tiễn công tác. Không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, trí công vô tư, khiêm tốn, giản dị, đoàn kết, yêu thương đồng chí, đồng đội, gắn bó máu thịt với nhân dân... Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Cùng với đó, rèn luyện phương pháp, tác phong công tác khoa học, độc lập, tự chủ, sáng tạo theo tấm gương đồng chí chiến sĩ cách mạng Lê Quang Đạo; nêu cao tinh thần chủ động, vượt khó, nhạy bén, quyết liệt của đồng chí, luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân... Đặc biệt, trong bất luận hoàn cảnh nào cũng giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với QĐND Việt Nam, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.